Hỗ trợ - Hotline +(84)43 9428 106

Triển khai chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030

Nhằm nỗ lực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đặt ra tại Chiến lược Phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 808/QĐ-BTC về việc phê duyệt Chương trình hành động của Bộ Tài chính triển khai thực hiện Chiến lược này.

Triển khai chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc vừa ký ban hành Quyết số 808/QĐ-BTC về việc phê duyệt Chương trình hành động của Bộ Tài chính triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030.

Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đặt ra trong Chiến lược, Bộ Tài chính ban hành Chương trình hành động của Bộ Tài chính thực hiện Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm đến năm 2030 với nhiều nội dung quan trọng.

Theo đó, về mục đích, chương trình hành động xác định các nhiệm vụ chủ yếu của các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính để tổ chức thực hiện các mục tiêu và giải pháp trong Chiến lược Phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 bảo đảm thị trường bảo hiểm hoạt động an toàn, lành mạnh, bền vững, hiệu quả.

Đồng thời, Chương trình hành động này là căn cứ cho các đơn vị xây dựng các kế hoạch hành động theo chức năng để chỉ đạo, tổ chức thực hiện các mục tiêu và giải pháp mà Chiến lược Phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 đã đặt ra.

Cùng với đó, Chương trình hành động này cũng là căn cứ để tổ chức sơ kết, tổng kết và đánh giá, rút kinh nghiệm việc tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030; đồng thời, là căn cứ để phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh mục tiêu, giải pháp Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 trong trường hợp cần thiết.

Chương trình hành động cũng đưa ra 3 yêu cầu cơ bản trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các nội dung nhiệm vụ. Cụ thể là: Quán triệt đầy đủ quan điểm, mục tiêu của Chiến lược Phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030; Cụ thể hóa các giải pháp trong việc tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 gắn với từng giai đoạn cụ thể, bảo đảm khả thi, có kết quả rõ ràng và có sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, cùng hướng tới mục tiêu của Chiến lược; Quy định rõ trách nhiệm của đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và hiệu quả.

Bên cạnh đó, Chương trình hành động cũng đã nêu rõ danh mục phân công thực hiện các giải pháp của Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 nêu tại Phụ lục đính kèm. “Trong quá trình thực hiện, trường hợp cần thiết điều chỉnh những nội dung cụ thể trong Chương trình hành động này, các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính chủ động gửi kiến nghị tới Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm để tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng xem xét, quyết định nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn” – Chương trình hành động nêu rõ.

Về tổ chức thực hiện, Bộ trưởng giao thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính căn cứ mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể và các giải pháp thực hiện của Chiến lược Phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 chủ động xây dựng lộ trình và phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai các nhiệm vụ tại danh mục các nhiệm vụ, đề án thực hiện Chiến lược.

Đồng thời, các đơn vị chủ trì có trách nhiệm triển khai các nhiệm vụ được giao theo đúng chương trình; định kỳ 5 năm (trước ngày 15/12/2025 và năm 2030) có báo cáo gửi Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng (trước ngày 31/12/2025 và năm 2030) về kết quả và tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định này.

Bên cạnh đó, trong quá trình tổ chức thực hiện, trường hợp cần thiết bổ sung, sửa đổi, cập nhật những nội dung cụ thể trong Chương trình hành động này, các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ chủ động kiến nghị với Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm để tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng xem xét, quyết định để đảm bảo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Chương trình hành động này.

Trước đó, ngày 05/01/2023, Phó Thủ tướng Chính Phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 07/QĐ-TTg ngày 5/1/2023 phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 với mục tiêu phát triển các doanh nghiệp bảo hiểm có năng lực tài chính vững mạnh, năng lực quản trị điều hành tiếp cận chuẩn mực quốc tế, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh tích cực trên thị trường trong nước và khu vực...

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược nhằm hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về kinh doanh bảo hiểm đầy đủ, minh bạch, bình đẳng và đồng bộ, tiếp cận các chuẩn mực, thông lệ quốc tế về kinh doanh bảo hiểm, tạo thuận lợi cho sự phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm, bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ cam kết quốc tế của Việt Nam.

Chiến lược đặt ra mục tiêu cụ thể là doanh thu ngành bảo hiểm tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 15%/năm, đến năm 2025, quy mô đạt 3% - 3,3% GDP; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026 - 2030 là 10%/năm, đến năm 2030 quy mô đạt 3,3% - 3,5%.

Đến năm 2025 có 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ; đến năm 2030 có 18% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ.

Tốc độ tăng trưởng bình quân về tổng tài sản, tổng số tiền đầu tư, tổng dự phòng nghiệp vụ, tổng nguồn vốn chủ sở hữu tăng bình quân 15%/năm giai đoạn 2021 - 2025 và 10%/năm giai đoạn 2026 - 2030. Tốc độ tăng trưởng doanh thu cung cấp sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng đạt bình quân 10%/năm trong giai đoạn 2023 - 2030.

Phí bảo hiểm bình quân đầu người đạt 3 triệu đồng năm 2025, 5 triệu đồng năm 2030.

Để đạt được các mục tiêu trên, Chiến lược đặt ra một số giải pháp trọng tâm để phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 như: Tăng cường năng lực tài chính, quản lý rủi ro, quản trị doanh nghiệp, chất lượng dịch vụ khách hàng và công khai minh bạch của doanh nghiệp bảo hiểm; phát triển và đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm, khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm phát triển đa dạng các dòng sản phẩm mới, lấy khách hàng làm trọng tâm nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của các tổ chức, cá nhân trong nhiều hoạt động kinh tế và đời sống.

Đa dạng và chuyên nghiệp hóa kênh phân phối bảo hiểm. Đa dạng hóa kênh phân phối theo hướng phục vụ tốt nhất bên mua bảo hiểm và tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận bảo hiểm một cách dễ dàng nhất. Chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối thông qua việc ban hành quy định hoặc các quy tắc đạo đức hành nghề; xây dựng hệ thống đánh giá chất lượng hệ thống kênh phân phối. Chuẩn hóa hoạt động phân phối bảo hiểm qua đại lý tổ chức, đại lý ngân hàng; nâng cao chất lượng đào tạo và thi đại lý bảo hiểm. 

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, quản lý nhà nước hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, ứng dụng trong tất cả các khâu của kinh doanh bảo hiểm, có biện pháp bảo vệ thông tin, bảo mật thông tin khách hàng.

Xây dựng khung thể chế thử nghiệm cho các dịch vụ công nghệ bảo hiểm (Insurtech) theo thông lệ tốt nhất, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển các dịch vụ bảo hiểm số mới. 

Thúc đẩy chuyển đổi số công tác quản lý và phát triển thị trường bảo hiểm, phát triển và sử dụng các nền tảng số để thúc đẩy phát triển và tối ưu hóa thị trường bảo hiểm, ứng dụng các giải pháp công nghệ số, nền tảng số để giám sát, đo lường trực tuyến kết quả thực hiện các tiêu chí quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo hiểm đảm bảo minh bạch, chính xác, kịp thời.

Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm; tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm./.

PV