Hỗ trợ - Hotline +(84)43 9428 106

Thị trường Bảo hiểm ASEAN

Thị trường bảo hiểm khu vực ASEAN có tốc độ phát triển bảo hiểm nhanh, với mức tăng trưởng bình quân khoảng 7-8% năm trong 10 năm gần đây (cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng bảo hiểm trung bình toàn cầu 10 năm 2007-2016 là 1,4%). Năm 2017, doanh thu phí bảo hiểm các nước ASEAN đạt khoảng 87 tỷ USD tăng trưởng trên 12% so với năm 2016, và năm 2018 được dự báo tăng trưởng ở mức xấp xỉ 10%, thuộc khu vực thị trường có mức tăng trưởng cao nhất trên thế giới. Tuy nhiên, quy mô thị trường còn rất khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 1,8% tổng phí bảo hiểm toàn cầu.

Thị trường Bảo hiểm ASEAN

Trong tổng số 87 tỷ USD doanh thu phí bảo hiểm năm 2017, bảo hiểm nhân thọ chiếm tới 74%, phi nhân thọ chỉ chiếm 26% (tỷ trọng toàn cầu là 54% nhân thọ, 46% phi nhân thọ). Mức tăng trưởng trung bình bảo hiểm nhân thọ khu vực ASEAN cũng vượt trội : trong 5 năm gần đây đạt mức khoảng 8,8% (thế giới khoảng 1%), trong khi bảo hiểm phi nhân thọ mức tăng trưởng trung bình chỉ đạt khoảng 3,7%. (thế giới khoảng 2%).

Tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm (tỷ trọng doanh thu phí bảo hiểm/GDP) còn ở mức thấp nhưng được cải thiện qua từng năm, năm 2012 ở mức 2,63% thì năm 2017 đã tăng lên 3,23%. Trong đó Singapore có tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm cao nhất (năm 2017: 7,4%), tương đương các nước có thị trường bảo hiểm phát triển. Năm 2017, tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm của Việt Nam vươn lên vị trí thứ thứ 4 khu vực ASEAN (sau Singapore, Thái Lan, Malaysia), đạt khoảng 2,1%.

Xét về  quy mô doanh thu phí bảo hiểm, Thái Lan đứng đầu khu vực, tỷ trọng doanh thu phí bảo hiểm  khoảng 28,7% tổng doanh thu phí bảo hiểm ASEAN (không kể Lào và Myanmar), tiếp theo là Singapore ( 27,6%) và Indonesia (22%). Việt Nam đứng ở vị trí thứ 6, chiếm 5,35% thị phần (sau Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia và Phillipin). Nếu như năm 2013, tỷ trọng doanh thu phí bảo hiểm của Việt Nam trong khối ASEAN chỉ chiếm khoảng 3%,  tỷ trọng 5,35% của năm 2017 chứng tỏ tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm của Việt Nam cao hơn tương đối so với mức tăng trưởng trung binh của khu vực.

Về bảo hiểm phi nhân thọ, Thái Lan dẫn đầu khu vực (30,4%), tiếp theo là Indonesia (21,2%),  Malaysia (18,4%), Singapore (13,3%). Việt Nam đứng thứ 5, chiếm khoảng 8% thị phần.  

Về bảo hiểm nhân thọ, Singapore dẫn đầu với 32,6% thị phần, tiếp theo là Thái Lan (28,1%), Indonesia (22,5%), Phillipin 6,3%). Malaysia (5,9%). Việt Nam đứng thứ 6, chiếm khoảng 4,4% thị phần.

Về số lượng doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), tính đến năm 2018 ASEAN có 507 DNBH, bao gồm 168 DNBH nhân thọ, 319 DNBH phi nhân thọ, 20 DNBH hỗn hợp. So với năm 2014, số lượng công ty DNBH phi nhân thọ giảm 20 công ty (từ 339 xuống 319), trong khi số lượng DNBH nhân thọ tăng thêm 15 công ty (từ 153 lên 168). Xét về số lượng DNBH đang hoạt động, Việt Nam có số DNBH  đứng thứ  05 trong khu vực, chiếm 10% tổng số DNBH khu vực (sau Indonesia, Phillipin, Thái Lan, Singapore).

Số lượng DNBH phi nhân thọ giảm ở một số thị trường (ví dụ Philipin giảm từ   69 công ty bảo hiểm phi nhân thọ năm 2014 xuống còn còn  64 công ty; Indonesia giảm từ 80 xuống còn 75; Thái Lan từ 64 công ty xuống 59 công ty; Singapore từ 57 xuống 54 công ty… ) do xu hướng tái cơ cấu, sáp nhập  các DNBH nhỏ để đảm bảo các quy định mới về vốn và để cải thiện hiệu quả hoạt động, tăng năng lực cạnh tranh. Đối với bảo hiểm nhân thọ, ngoài việc gia tăng các DNBH tại các thị trường mới như Lào, Campuchia, Myanmar…, một số thị trường phát triển hơn cũng chứng kiến sự xuất hiện của các DNBH mới (như Singapore tăng từ 16 DNBH nhân thọ năm 2014 lên 18 DNBH nhân thọ năm 2018; Phillipin từ 25 lên 29; Indonesia từ 48 lên 54…), chứng tỏ bảo hiểm nhân thọ vẫn là ngành hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế và khu vực.

Trong phạm vi ASEAN (không kể Myanmar và Lào), năm 2017 quy mô tính theo doanh thu phí bình quân 01 DNBH phi nhân thọ khoảng 70 triệu USD, DNBH nhân thọ khoảng 385 triệu USD. Tuy nhiên, có thể thấy trong 6 thị trường đứng đầu khu vực (Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia, Phillipin và Việt Nam), thị trường cả phi nhân thọ và nhân thọ đều tập trung với việc 5 DNBH top đầu thị trường luôn chiếm trên 50% - 80% thị phần ở từng quốc gia. Trong mảng bảo hiểm nhân thọ, các DNBH nhân thọ thuộc các tập đoàn bảo hiểm quốc tế ngoài ASEAN chiếm đa số trong 5 DNBH top đầu thị trường, trong khi đối với bảo hiểm phi nhân thọ các DNBH nội địa vẫn chiếm thị phần chi phối.

Vấn đề hợp tác giữa các thị trường bảo hiểm khối ASEAN ngày càng được cải thiện những năm gần đây, thông qua các hợp tác song phương, đã phương, hợp tác giữa các cơ quan quản lý bảo hiểm và các hiệp hội bảo hiểm. Hàng năm, đại diện các hiệp hội bảo hiểm của các quốc gia tham dự Hội nghị Hội đồng bảo hiểm ASEAN (AIC), cùng thảo luận những vấn đề chung của thị trường bảo hiểm khu vực, thống nhất những kiến nghị chung gửi tới cơ quan quản lý bảo hiểm của từng quốc gia. Trong cơ cấu tổ chức của Hội đồng bảo hiểm ASEAN, ngoài Ban thư ký thường trực có 04 uỷ ban/Nhóm làm việc thuộc AIC bao gồm đại diện các Hiệp hội bảo hiểm hội viên, các chuyên gia bảo hiểm… : Uỷ ban về bảo hiểm xe cơ giới quá cảnh; Uỷ ban về giáo dục đào tạo bảo hiểm; Nhóm làm việc về bảo hiểm thiên tai; Uỷ ban về tái bảo hiểm.

Về bảo hiểm xe cơ giới quá cảnh, căn cứ khu vực địa lý chia làm 3 tiểu nhóm.  Tiểu nhóm I (Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam) , tiểu nhóm 2 (Malaixia, Thái Lan, Singapore), tiểu nhóm 3 (Brunei, Indonesia, Malaixia). Các quốc gia thuộc các tiểu nhóm đã tích cực làm việc và đã có những tiến bộ trong việc thúc đẩy hợp tác, cụ thể là : tiểu nhóm 1 đã gần hoàn thành việc ký các thoả thuận hợp tác song phương giữa từng quốc gia trong tiểu nhóm, hiện đang tiếp tục làm việc để đưa vấn đề thoả thuận hợp tác đi vào thực chất; Tiểu nhóm 2 đã hoàn thành cổng thông tin điện tử (web portal, giữa Malaixia và Thái Lan, dự kiến sẽ mở vào đầu năm 2019; DNBH MSFCI của Singapore đã xây dựng cổng điện tử với chương trình bảo hiểm xe cơ giới quá cảnh và đang xem xét tích hợp đồng thời với cổng của Malaixia và Thái Lan); Tiểu nhóm 3 đã cùng ký Biên bản thoả thuận hợp tác về cùng xây dựng chương trình chung bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới quá cảnh và tăng cường hợp tác các bên…

Về vấn đề đào tạo bảo hiểm khu vực ASEAN : Uỷ ban giáo dục nghiên cứu những chênh lệch về trình độ, yêu cầu và các chương trình đào tạo, vấn đề cấp chứng chỉ bảo hiểm giữa các nước khu vực ASEAN, từ đó sẽ có những đề xuất khuyến nghị gửi tới cơ quan quản lý bảo hiểm các nước ASEAN xem xét xây dựng những tiêu chí chung về yêu cầu trình độ cán bộ bảo hiểm các cấp độ và công nhận chứng chỉ của nhau, giúp thuận tiện trong vấn đề dịch chuyển lao động tự do.

Nhóm nghiên cứu về rủi ro thiên tai đã thảo luận và thống nhất các dự án sẽ thực hiện trong năm tới như : nghiên cứu xây dựng sản phẩm bảo hiểm doanh nghiệp vừa và nhỏ (chống rủi ro thiên tai); hệ thống cơ sở dữ liệu rủi ro thiên tai; Tài trợ và bảo hiểm  rủi ro thiên tai (DRFI).

Uỷ ban về tái bảo hiểm (mới được thành lập) sẽ xây dựng những nguyên tắc hoạt động chung (Charter) nghiên cứu xử lý các vấn đề tái bảo hiểm khác nhau của khu vực, với mục đích hợp tác nâng cao năng lực tái bảo hiểm của các quốc gia khu vực ASEAN và tư vấn giúp các cơ quan quản lý bảo hiểm các nước ASEAN hài hoà hoá các quy định quản lý.

Tại Hội nghị Hội đồng bảo hiểm ASEAN cuối tháng 11/2018, đại diện các Hiệp hội bảo hiểm các nước ASEAN đã cùng thảo luận và thống nhất phiên họp toàn thể giữa đại diện lãnh đạo AIC, các hiệp hội bảo hiểm hội viên và các cơ quan quản lý bảo hiểm các nước ASEAN, đại diện AIC và các Hiệp hội đã trao đổi với đại diện cơ quan quản lý bảo hiểm những vấn đề và kiến nghị chung các khối hiệp hội nhân thọ và phi nhân thọ đã thảo luận và thống nhất trong các phiên họp trước đó, cụ thể là :

Khối nhân thọ: 1. Những quan ngại liên quan đến việc thực hiện Chuẩn mực lập và trình bày báo cáo tài chính quốc tế số 17 (IFRS 17)(cần sự rõ ràng hơn về diễn giải các tiêu chuẩn; Đề nghị các nước đã phát triển hơn sẽ triển khai IFRS17 trước, các nước còn lại sẽ hoãn việc triển khai 1, 2 năm; Đề xuất tất cả các quốc gia ASEAN sẽ chấp thuận 1 thời hạn chung việc thực hiện với sự diễn giải thống nhất các quy định) 2. Vấn đề Luật về Dữ liệu/Thông tin cá nhân : Khó khăn của DNBH khi hoạt động kinh doanh mà không được tiếp cận dữ liệu cá nhân; Đề nghị xem xét coi ngành bảo hiểm là ngoại lệ, cho phép việc chia sẻ dữ liệu thông tin cá nhân vì mục đích bảo hiểm, người yêu cầu bảo hiểm được coi như đồng ý chia sẻ việc chia sẻ thông tin khi ký Giấy yêu cầu bảo hiểm (kinh nghiệm Malaixia thông qua ban hành Luật về sử dụng thông tin cá nhân (Code of Privacy Practice).3. Vấn đề gia tăng chi phí y tế: Kiến nghị cơ quan quản lý y tế các nước việc tiêu chuẩn hoá  các loại chi phí khám chữa bệnh, điều trị; khuyến nghị vấn đề đồng bảo hiểm, áp dụng mức khấu trừ đối với người tham gia bảo hiểm.4. Vấn đề bán bảo hiểm trực tiếp qua kênh số: Kiến nghị thiết lập sân chơi chung công bằng giữa kênh bán trực tuyến BH nhân thọ và kênh bán gặp mặt trực tiếp truyền thống (đảm bảo rằng các công ty phi bảo hiểm (ví dụ các công ty công nghệ) cũng phải tuân thủ các quy định như 1 công ty bảo hiểm truyền thống về biên khả năng thanh toán, trích lập dự phòng, hoạt động bán hàng, yêu cầu về công khai thông tin…); Giảm nhẹ/đơn giản hoá thủ tục phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm (ví dụ chỉ yêu cầu đăng ký sản phẩm, thực hiện hậu kiểm). 7. Ưu đãi thuế để tăng tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm. 8. Tài trợ các dự án hạ tầng: xem xét những ưu đãi thuế và sử dụng vốn khi DNBH tài trợ cho dự án hạ tầng để khuyến khích DNBH đầu tư vào lĩnh vực này (nhằm giảm nhẹ gánh nặng của Chính Phủ trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng).

Khối Phi nhân thọ: 1. Định vị, xác định vị thế bảo hiểm phi nhân thọ ở từng quốc gia ASEAN, xây dựng các sản phẩm bảo hiểm đáp ứng nhu cầu của nhân dân và phù hợp với chương trình phát triển xã hội của quốc gia; Tiêu chuẩn hoá các lĩnh vực bảo hiểm quan trọng của từng quốc gia cần sự trợ giúp và cùng xây dựng khung khổ chung để ngành bảo hiểm ASEAN gia tăng được tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm. 2. Cùng làm việc với cơ quan quản lý để mở rộng ảnh hưởng của bảo hiểm phi nhân thọ đối với sự phát triển của từng quốc gia (xác định những mục tiêu chiến lược; kiến nghị những ưu đãi thuế, những một số loại hình bảo hiểm cần sự hỗ trợ của Nhà nước…). 3. Ngăn chặn gia tăng chi phí trong bảo hiểm xe cơ giới thông qua sử dụng những công nghệ mới; kiến nghị hình sự hoá tội trục lợi bảo hiểm như 1 số quốc gia trong khu vực đã thực hiện. 4. Tận dụng những cơ hội do các thành tựu công nghệ mang lại trong nền kinh tế số: Kiến nghị cơ quan quản lý BH xem xét có điều chỉnh phù hợp và hài hoà các quy định liên quan về ứng dụng kỹ thuật số và bảo hiểm công nghệ.

Ngô Trung Dũng – Phó Tổng Thư ký HHBHVN