Hỗ trợ - Hotline +(84)43 9428 106

Giải pháp giảm thiểu rủi ro cho sản xuất nông nghiệp

Sản xuất nông nghiệp là một trong những lĩnh vực đối mặt với nhiều rủi ro nhất hiện nay, tuy nhiên tại Việt Nam, các hộ sản xuất và hợp tác xã nông nghiệp chưa có nhiều giải pháp hữu hiệu để quản trị và giảm thiểu các rủi ro đó.

Giải pháp giảm thiểu rủi ro cho sản xuất nông nghiệp

Đây là nhận định của các chuyên gia tại “Hội thảo Quản lý rủi ro trong nông nghiệp và vấn đề vốn hóa đối với các hợp tác xã” do Dự án Phát triển Hợp tác xã Việt Nam (VCED) phối hợp với Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 19/2.

TS. Võ Thị Kim Sa, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp. Hồ Chí Minh cho biết, sản xuất nông nghiệp tiềm ẩn rất nhiều rủi ro từ thời tiết, dịch bệnh đến bất ổn thị trường, giá cả.

Trong những năm gần đây Việt Nam đã có những bước tiến tích cực trong việc phát triển các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp bao gồm cả bảo hiểm nông nghiệp và thúc đẩy tín dụng cho phát triển nông nghiệp và nông thôn.

Nhưng trên thực tế, chưa có nhiều nông dân và hợp tác xã biết và tham gia vào các chương trình bảo hiểm để quản trị và giảm thiểu các rủi ro.

Là người trực tiếp tham gia sản xuất, ông Nguyễn Văn Thạch, Thành viên Hội đồng quản trị Hợp tác xã Bưởi da xanh tỉnh Bến Tre chia sẻ, sản xuất nông nghiệp ngày càng phải đối mặt với nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu, thiên tai và bất ổn thị trường.

Hơn nữa, đa phần nông dân đều chỉ tập trung vào sản xuất, không có chuyên môn về xây dựng thương hiệu và thương mại sản phẩm nên vẫn ở thế yếu, phụ thuộc vào các thương lái. Những thiệt hại đó người nông dân phải gánh chịu như một phần quy luật tự nhiên chứ chưa có bất cứ giải pháp nào để kiểm soát.

Theo ông Nguyễn Văn Thạch, nếu có chương trình bảo hiểm nông nghiệp chấp nhận chia sẻ rủi ro với người sản xuất trong việc đối mặt với các tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh thì hầu hết nông dân đều sẵn sàng tham gia.

Kết quả khảo sát của VCED tại một số địa phương cho thấy rủi ro thường trực đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam là do khí hậu và thiên tai; trong đó, các cây trồng bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng nhiều còn vật nuôi chịu thiệt hại lớn do dịch bệnh.

Ngoài ra, biến động giá cả thị trường ở nhiều ngành hàng xảy ra thường xuyên và khó dự báo cũng gây bất lợi cho người nông dân.

Ông Jean Yves Drolet, cố vấn quản lý rủi ro trong nông nghiệp của Socodevi (Tổ chức phi lợi nhuận của Canada nhằm phát triển quan hệ quốc tế được thành lập tại Việt Nam từ năm 2002) bày tỏ, tại Việt Nam, những thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh chủ yếu được Chính phủ hỗ trợ theo sự vụ, trong khi người sản xuất nông nghiệp và các bên liên quan chưa chủ động tham gia các biện pháp quản trị rủi ro như tham gia bảo hiểm cho sản xuất.

Cho đến nay, chỉ mới có hoạt động nuôi trồng thủy sản ở một số địa phương được tham gia thử nghiệm chương trình bảo hiểm nông nghiệp.

Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam sớm triển khai các chương trình, sản phẩm bảo hiểm trong nông nghiệp nhằm chia sẻ rủi ro cho người sản xuất. Bà Melanie Dumont, Chuyên gia Bộ Kinh tế và Sáng tạo Quebec, Canada nhấn mạnh, tham gia bảo hiểm là giải pháp kiểm soát rủi ro, giảm thiểu thiệt hại hiệu quả ở nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh, kể cả nông nghiệp.

Cụ thể, xây dựng chiến lược kết nối và chia sẻ rủi ro giữa tổ chức tài chính với nông dân trên cơ sở thực hành quản lý tốt, phát triển tín dụng nông nghiệp, quỹ bảo lãnh cho vay, bảo hiểm mùa màng và xây dựng năng lực quản trị rủi ro cho người sản xuất.

Khi đó, người nông dân được đảm bảo thu nhập và lợi nhuận ổn định ngay cả khi xảy ra rủi ro về thiên tai hay biến động thị trường.

Tuy nhiên, để triển khai được các chương trình bảo hiểm nông nghiệp trên diện rộng cần sự tham gia tích cưc từ cơ quan quản lý nhà nước cũng như các hiệp hội sản xuất ngành hàng; trong đó, cơ quan quản lý nhà nước là nơi nắm giữ nguồn dữ liệu nông nghiệp liên quan đến việc thiết kế các chương trình bảo hiểm cho cây trồng, vật nuôi và cũng là đơn vị điều phối các nguồn quỹ hỗ trợ phát triển nông nghiệp.

Về phía hiệp hội ngành hàng cần thực hiện hiệu quả việc tổ chức sản xuất và đẩy mạnh truyền thông đến hội viên về lợi ích khi tham gia các chương trình bảo hiểm nông nghiệp./.