Hỗ trợ - Hotline +(84)43 9428 106

Góp ý hoàn thiện chế định hợp đồng bảo hiểm về xử lý yêu cầu bồi thường gian lận

Trong nhiều năm trở lại đây, gian lận bảo hiểm đang ngày càng trở thành một “vấn nạn” nhức nhối và gây đau đầu cho các công ty bảo hiểm (“CTBH”) khi có mức độ phức tạp và tinh vi ngày càng cao, đặc biệt là trong xu thế phát triển rất nhanh của thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện nay. Vấn đề này cũng đã nhận được khá nhiều sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và cơ quan quản lý chuyên ngành, khi đã có các chế tài xử phạt vi phạm về hành chính và hình sự được thiết lập và ban hành một cách đầy đủ.

Góp ý hoàn thiện chế định hợp đồng bảo hiểm về xử lý yêu cầu bồi thường gian lận


 

Sự bỏ ngỏ trong Luật Kinh doanh bảo hiểm

Trong nhiều năm trở lại đây, gian lận bảo hiểm đang ngày càng trở thành một “vấn nạn” nhức nhối và gây đau đầu cho các công ty bảo hiểm (“CTBH”) khi có mức độ phức tạp và tinh vi ngày càng cao, đặc biệt là trong xu thế phát triển rất nhanh của thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện nay. Vấn đề này cũng đã nhận được khá nhiều sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và cơ quan quản lý chuyên ngành, khi đã có các chế tài xử phạt vi phạm về hành chính và hình sự được thiết lập và ban hành một cách đầy đủ.

Cụ thể, tại Nghị định số 98/2013/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định số 48/2018/NĐ-CP)  về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm, hành vi gian lận bảo hiểm đã được cụ thể hóa hơn về mặt hành vi như: giả mạo tài liệu; cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường; trả tiền bảo hiểm hoặc tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm... Người vi phạm quy định này phải đối mặt với hình phạt từ 90 đến 100 triệu đồng nếu số tiền chiếm đoạt được là dưới 20.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại dưới 50.000.000 đồng. Vượt ngưỡng về mức chiếm đoạt hoặc thiệt hại nói trên, người có hành vi gian lận sẽ phải đối diện với các chế tài hình sự khắt khe: từ phạt tiền cải tạo không giam giữ cho tới phạt tù lên đến bảy năm theo quy định tại Bộ luật hình sự 2015và Luật sửa đổi Bộ luật hình sự 2017.

Thế nhưng câu hỏi đặt ra là, chế tài hay hệ quả nào đối vớinhững Hợp đồng bảo hiểm (“HĐBH”) đang (hoặc đã) tồn tại vào thời điểmCTBH phát hiện hành vi gian lận bảo hiểm? Soi chiếu trở lại Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000, sửa đổi năm 2010 (“Luật KDBH”), chúng ta chỉ thấy có một quy định đề cập đến vấn đề gian lận bảo hiểm là Điều 19.2 (a): “(Bên mua bảo hiểm) Cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để được trả tiền bảo hiểm hoặc được bồi thường” mà theo đó, CTBH sẽ có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện HĐBHcũng như thu phí bảo hiểm đến thời điểm việc đình chỉ đó có hiệu lực. Vậy quy định này có đang bộc lộ hạn chế nào không?

Câu trả lời là có.

1. Chủ thể thực hiện hành vi: quy định này chỉ đang đề cập đến hành vi của Bên mua bảo hiểm (“BMBH”), trong khi trên thực tiễn, Người được bảo hiểm (“NĐBH”) (không đồng thời là BMBH) với quyền yêu cầu bồi thường hoặc thậm chí là bên thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm cũng có thể là chủ thể thực hiện hành vi gian lận.Việc quy định pháp luật chỉ đề cập đến “Bên mua bảo hiểm” như hiện nay vô hình chung sẽ dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật.

2. Hành vi: quy định này cũng chỉ đang đề cập đến một hành vi duy nhất là việc cung cấp thông tin sai sự thật (man trá, sai lệch), trong khi đó, gian lận bồi thường có thể được thể hiện qua nhiều dạng hành vi khác như: giả mạo giấy tờ bồi thường, tự gây thiệt hại đến cơ thể/ tài sản...

3. Thời điểm gian lận: theo cách xây dựng quy định hiện tại, có thể nhận thấy hành vi gian lận (về cung cấp thông tin) là hành vi được thực hiện trước thời điểm giao kết HĐBH nhằm hướng đến mục đích cuối cùng là được CTBHtrả tiền bảo hiểm hoặc được bồi thường. Quy định thời điểm như vậy sẽ loại trừ một trường hợp quan trọng, đó là sau khi giao kết HĐBH, BMBH/NĐBH mới thực hiện hành vi gian lận yêu cầu bồi thường (tức là có thểđã trung thực/ngay tình tại thời điểm giao kết HĐBH, nhưng lại thực hiện hành vi man trá sau khi đã ký HĐBH hoặc đã phát sinh một tổn thất cụ thể).Từ đó, các CTBH có thể sẽ thấy khá lúng túng khi xử lý các hành vi vi phạm về gian lận bảo hiểm phát sinh sau thời điểm ký kết HĐBH hoặc trong quá trình NĐBH chuẩn bị hồ sơ, chứng từ yêu cầu bồi thường cho tổn thất đã xảy ra như vậy.

4. Thiếu quy định về hệ quả của đình chỉ thực hiện hợp đồng: Ngoài các hạn chế nêu trên,Luật KDBH còn bỏ ngỏ một phần vô cùng quan trọng: hệ quả pháp lý khi HĐBH bị đơn phương đình chỉ thực hiện. Nếu quy chiếu ngược về Bộ luật Dân sự 2015, có thể thấyrằng cũng không có bất kỳ quy định nào giải thích vềchế tài cho việc đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng. Có ý kiến cho rằng, do HĐBH là giao dịch được giao kết giữa một bên là CTBH – thương nhân hoạt động kinh doanh bảo hiểm – với một bên là BMBH– có thể là các tổ chức (thương nhân) hoặc cá nhân – nên giao dịch này sẽ được điều chỉnh theo Luật Thương mại 2005, đồng nghĩa với việc cũng có thể áp dụng/giải thích hệ quả của việc “đình chỉ thực hiện” nêu tại Luật KDBH theo quy định của Luật Thương mại 2005 này,  theo đó có quy định tại các Điều 310 và 311[1] về đình chỉ thực hiện hợp đồng cũng như hệ quả pháp lý nó.

5. Trách nhiệm bảo hiểm cho rủi ro xảy ra trước thời điểm HĐBH bị đình chỉ thực hiện:Đây cũng là một vấn đề gây bất lợi cho các CTBH, bởi, HĐBH chỉ chấm dứt vào thời điểm ra quyết định đình chỉ.Tức là về mặt nguyên lý, việc CTBH vẫn được quyền hưởng phí bảo hiểm tính đến thời điểm ra quyết định này sẽ khiến CTBH vẫn phải chịu trách nhiệm bảo hiểm cho các rủi ro đã xảy ra trong giai đoạn HĐBH còn hiệu lực, mà theo đó có khả năng rất cao là các yêu cầu bồi thường này cũng có thể tồn tại yếu tố gian lận mà CTBH chưa có khả năng phát hiện ra tại thời điểm nhận và chi trả bồi thường. Không chỉ vậy, CTBH cũng có không có quyền yêu cầu NĐBH hoàn trả số tiền bồi thường bảo hiểm đã trả do không được thỏa thuậnnào về việc hoàn trả này trước đó.

 

Có thể thấy, các phân tích trên đã chỉ ra những “điểm yếu” trong chế tài hiện tại khiến CTBH khó có thể bảo vệ chính mình trong các tình huống gian lận bao hiểm, khi mà các chế tài xử phạt vi phạm hành chính và hình sự hiện hành chỉ đang đi theo hướng tập trung xử lý bên vi phạm mà quên mất đi phần lợi ích bị mất hoặc bị lợi dụng của CTBH.

 

Và sự không tương thích trong điều khoản Yêu cầu bồi thường gian lận củamột số quy tắc bảo hiểm trênthị trường quốc tế

 

Mặc dù vẫn còn nhiều thiếu sót trong khuôn khổ pháp lý về các yêu cầu bồi thường gian lận, chúng ta vẫn có thể nhận ra rằng hiện nay đang có nhiều Quy tắc bảo hiểm mà các CTBH vay mượn, sử dụng từ thị trường quốc tế đã có sẵn điều khoản Yêu cầu bồi thương gian lận. Vậy liệu rằng các điều khoản đó có giúp CTBH trở nên an tâm hơn, và rằng chúng đã phù hợp với pháp luật Việt Nam?

 

Cùng xem xét một điều khoản thông dụng sau đây: “If  a  claim  is  in  any  respect  fraudulent,  or  if  any  false  declaration  is  made  or  used  in supportthereof, or if anyfraudulent means or devices, are used by the Insured or anyone acting on his behalf to obtain any benefit under this Policy, all benefit under this Policy shall be forfeited(thường thấy trong các đơn bảo hiểm mọi rủi ro tài sản/lắp đặt xây dựng). Tạm dịch:Nếu Người được bảo hiểm hoặc bất kỳ ai thay mặt Người được bảo hiểm đưa ra một yêu cầu bồi thường là gian lận về bất kỳ khía cạnh nào, hoặc đưa ra hoặc sử dụng bất kỳ kê khai gian dối nào nhằm củng cố cho yêu cầu bồi thường gian lận đó, hoặc sử dụng bất kỳ hành vi hoặc thủ đoạn gian lận nào nhằm thu được bất kỳ lợi ích nào theo Hợp đồng bảo hiểm này, thì tất cả quyền lợi bảo hiểm theo Hợp đồng bảo hiểm này sẽ bị bãi bỏ/tước bỏ/hủy bỏ.

 

Có thể nhận thấy, phần giả định của điều khoản đã bao hàm tương đối đầy đủ mô tả về một hành vi gian lận yêu cầu bồi thường, tuy nhiên, phần chế tài lại bộc lộ một số vấn đề sau:

- Không làm rõ hệ quả pháp lý đối với HĐBH(có coi là chấm dứt không?và nếu có thì chấm dứt vào thời điểm nào?);

- Cách hiểu về “forfeited” dễ gây tranh cãi với nhiều cách dịch khác nhau trong các Quy tắc bảo hiểm của các CTBH ở Việt Nam, trong khi đó theo từ điển Oxford, nó mang ý nghĩa: “bị mất hoặc bị lấy đi do đã làm sai điều gì đó”;

- Chưa nêu rõ liệu chế tài xử lý vi phạm hợp đồng nào sẽ được áp dụng trong trường hợp này màsau đó dẫn đến việc NĐBH/BMBH bị tước bỏ toàn bộ quyền lợi bảo hiểm;

- Không giải quyết được vấn đề liệu CTBH có quyền truy đòi lại số tiền đã chi trả bồi thường cho NĐBH/BMBH đối với các yêu cầu bồi thường của họ hay không;

- Không giải quyết được vấn đề về khoản phí bảo hiểm đã thu được (CTBH được tịch thu toàn bộ hay giữ lại một phần?).

 

Kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Trong bối cảnh Chính phủ đang xây dựng tờ trình, báo cáo về góp ý, xây dựng Luật KDBH sửa đổi, tác giả có một số kiến nghị về việc bổ sung chế định về xử lý vi phạm hợp đồng liên quan đến yêu cầu bồi thường gian lận trên cơ sở áp dụng chế tài “hủy bỏ hợp đồng” theo Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể như sau:

Trong trường hợp có bất kỳ yêu cầu bồi thường nào là gian lận được thực hiện bởiBMBH và/hoặc NĐBH và/hoặc bất kỳ cá nhân, tổ chức nào yêu cầu bồi thường thay mặt cho họ nhằm thu được lợi ích từ HĐBH, Công ty bảo hiểm sẽ có quyền:

- Hủy bỏ HĐBH (lý giải: phù hợp với Điều 423[2] Bộ luật Dân sự 2015, theo đó HĐBH sẽ không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận. Hệ quả này tương tự với chế tài vô hiệu, nhưng CTBH không cần phải đưa ra Tòa án để yêu cầu tuyên bố vô hiệu HĐBH);

- Giữ lại toàn bộ phí bảo hiểm đã nhận được như là một khoản bồi thường thiệt hại do hành vi gian lận bảo hiểm (lý giải: phù hợp với Điều 427[3] Bộ luật Dân sự 2015 về hệ quả của hủy bỏ Hợp đồng, theo đó trách nhiệm bồi thường thiệt hại vẫn còn hiệu lực kể cả sau khi HĐBH đã bị hủy bỏ).

- Không có trách nhiệm bảo hiểm với bất kỳ yêu cầu bồi thường nào theo HĐBH này và có quyền yêu cầu BMBH/NĐBH hoàn trả lại toàn bộ và bất kỳ số tiền bồi thường bảo hiểm nào đã trả.

- Báo cáo tới cơ quan chức năng về hành vi gian lận bảo hiểm.

Kiến nghị này sẽ giúp bảo vệ tối đa được quyền lợi của CTBH trong các giao dịch gian lận này, đồng thời mang tính răn đe để hạn chế rủi ro xảy ra các hành vi gian lận yêu cầu bồi thường, cũng nhưnhằm tuân thủ theo pháp luật Việt Nam. Ngoài ra, các CTBH khi sử dụng, vay mượn quy tắc bảo hiểm nước ngoài cũng cần rà soát lại các nội dung về pháp lý của điều kiện, điều khoản Quy tắc đó nhằm đảm bảo việc phù hợp với luật pháp và tính hiệu lực của thỏa thuận./.


Tạ Mạnh Thắng - Trưởng phòng Pháp chế & Tuân thủ, Công ty TNHH Bảo hiểm Bảo Việt Tokio Marine

 

[1] Trích dẫn Điều 310 & 311- Luật Thương Mại 2005:

Điều 310: Đình chỉ thực hiện hợp đồng .... đình chỉ hợp đồng là việc một bên chấm dứt thực hiện nghĩa vụ hợp đồng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để đình chỉ hợp đồng;

2. Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.

Điều 311. Hậu quả pháp lý của việc đình chỉ thực hiện hợp đồng

1. Khi hợp đồng bị đình chỉ thực hiện thì hợp đồng chấm dứt từ thời điểm một bên nhận được thông báo đình chỉ. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán hoặc thực hiện nghĩa vụ đối ứng.

2. Bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật này.



[2]Trích Điều 423 BLDS: 1. Một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp sau đây:

a) Bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thỏa thuận;

b) Bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng; 

[3]Điều 427 BLDS. Hậu quả của việc hủy bỏ hợp đồng Khi hợp đồng bị hủy bỏ thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp.