Hỗ trợ - Hotline +(84)43 9428 106

Tiêu điểm tháng 04 năm 2022

Ngày 30/03/2022, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ 23 bằng hình thức họp trực tuyến.

Tiêu điểm tháng 04 năm 2022

Hội nghị đã vinh dự chào đón sự hiện diện của Ông Ngô Việt Trung – Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính); Ông Nguyễn Quang Huyền và Bà Phạm Thu Phương – Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm, cùng các thành viên Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra nhiệm kỳ V, Cơ quan thường trực Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (HHBHVN), đại diện lãnh đạo các hội viên chính thức, và một số hội viên liên kết.

Hội nghị đã thảo luận và thông qua báo cáo tổng kết hoạt động năm 2021, kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2022 của HHBHVN. Tại Hội nghị, Ông Ngô Việt Trung đã có ý kiến phát biểu, chỉ đạo, đồng thời nêu rõ: Trong 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, thị trường gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên nhờ sự chỉ đạo của Chính phủ và nỗ lực của doanh nghiệp bảo hiểm, thị trường bảo hiểm mặc dù có giảm so với thời gian trước dịch Covid - 19 nhưng tăng trưởng vẫn khả quan. Nhìn chung cả năm 2021 thị trường bảo hiểm tăng trưởng 15,6%. Chính phủ và Bộ Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: giảm, giãn thuế, thúc đẩy tiêu dùng giúp các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Qua 2 năm đại dịch, nhận thức của người tham gia bảo hiểm được nâng cao, đặc biệt là các sản phẩm liên quan đến bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe nhằm bảo vệ bản thân và gia đình.

Với sự thống nhất cao, các doanh nghiệp bảo hiểm hội viên Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam sẽ cùng đồng lòng hợp tác trong các hoạt động chung năm 2022 để cùng nhau hoàn thành tốt các kế hoạch đề ra.

Về thị trường bảo hiểm 3 tháng đầu năm 2022, theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 55.485 tỷ đồng, tăng trưởng 14,6% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 17.082 tỷ đồng, tăng trưởng 14,7 % so với cùng kỳ 2021; doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 38.403 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể:

I. Đối với lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ:

Bảo hiểm xe cơ giới chiếm tỷ trọng 27,9% trong tổng doanh thu toàn thị trường, ước đạt 4.778 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ. Trong đó doanh thu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới ước đạt 1.161 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 6,8% tổng doanh thu thị trường, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước; Doanh thu bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện đạt 3.617 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21,1% tổng doanh thu thị trường, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.

Bảo hiểm sức khỏe doanh thu bảo hiểm ước đạt 5.247 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 30,7% tổng doanh thu thị trường. Trong đó: bảo hiểm tai nạn con người đạt 2.264 tỷ đồng, tăng 16,5%; bảo hiểm y tế - chăm sóc sức khỏe doanh thu ước đạt 2.983 tỷ đồng, tăng trưởng 20,5% so với cùng kỳ năm trước.

Bảo hiểm tài sản thiệt hại doanh thu ước đạt 2.482 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 14,5% tổng doanh thu thị trường, tăng trưởng 6,4% so với cùng kỳ năm trước.

Bảo hiểm cháy nổ doanh thu ước đạt 2.101 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 12,3% tổng doanh thu thị trường, tăng trưởng 22,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó doanh thu bảo hiểm cháy nổ bắt buộc ước đạt 1.744 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 10,2%, tăng trưởng 27,8 % so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu bảo hiểm cháy nổ tự nguyện ước đạt 357 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 2,09%, tăng 1% so với cùng kỳ.

Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển doanh thu ước đạt 770 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,5%, tăng trưởng 20,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu doanh thu ước đạt gần 768 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,5%, tăng trưởng 20,4% so với cùng kỳ năm trước.

Các nghiệp vụ bảo hiểm khác gồm: Bảo hiểm trách nhiệm doanh thu ước đạt 405 tỷ đồng, tăng trưởng 15,4% so với cùng kỳ năm trước; Bảo hiểm hàng không doanh thu ước đạt 238 tỷ đồng, tăng trưởng 70,3% so với cùng kỳ năm trước; Bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính doanh thu ước đạt 211 tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước; Bảo hiểm thiệt hại kinh doanh doanh thu ước đạt 57 tỷ đồng, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước; Bảo hiểm nông nghiệp doanh thu ước đạt 12 tỷ đồng, giảm 44,3% so với cùng kỳ năm trước; Bảo hiểm bảo lãnh doanh thu ước đạt 6 tỷ đồng, giảm 29,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng số tiền bồi thường bảo hiểm gốc của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ quý 1 năm 2022 khoảng 4.250 tỷ đồng (chưa bao gồm dự phòng bồi thường), tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc là 24,9%, thấp hơn tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc cùng kỳ năm 2021 (30,1%). Những nghiệp vụ bảo hiểm có tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc cao là: Bảo hiểm tự nguyện xe cơ giới 40%, bảo hiểm chảy nổ tự nguyện 39,6%, bảo hiểm bảo lãnh 34,9%.

 

II. Đối với lĩnh vực bảo hiểm Nhân thọ:

Tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt là 38.403 tỉ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết chung chiếm tỷ trọng 53%; sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng 16,9%; sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị chiếm tỷ trọng 18,2%; sản phẩm phụ chiếm tỷ trọng 10,4%. Các sản phẩm bảo hiểm còn lại chiếm tỷ trọng 1,53%, trong đó, sản phẩm bảo hiểm trọn đời chiếm 0,2%, sản phẩm bảo hiểm tử kỳ chiếm 0,7%, sản phẩm bảo hiểm trả tiền định kỳ chiếm 0,1%, sản phẩm bảo hiểm hưu trí chiếm 0,2%, sản phẩm bảo hiểm sức khỏe chiếm 0,38%, sản phẩm bảo hiểm sinh kỳ chiếm 0.001%.

Doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường 3 tháng đầu năm 2022 ước đạt 10.822 tỉ đồng giảm 10,3 % so với cùng kỳ năm trước.

Về cơ cấu doanh thu theo sản phẩm, sản phẩm chiếm tỷ trọng cao nhất gồm sản phẩm bảo hiểm liên kết chung (53%), nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đơn vị (18,2%).

Về số lượng hợp đồng khai thác mới 3 tháng đầu năm 2022 đạt 678.351 hợp đồng (sản phẩm chính), giảm 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó: Sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng 63,2 % (428.641 hợp đồng) giảm 18,8% so với cùng kỳ năm ngoái (sản phẩm bảo hiểm liên kết chung chiếm 40,5% (274.802 hợp đồng), giảm 38,8% so với cùng kỳ năm ngoái; sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị chiếm 22,7% (153.839 hợp đồng), tăng 95,4% so với cùng kỳ năm ngoái); Sản phẩm bảo hiểm tử kỳ chiếm tỷ trọng 27,6% (187.501 hợp đồng) giảm 23,8% so với cùng kỳ năm ngoái; Sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng 1,3% (8.568 hợp đồng) giảm 79,6% so với cùng kỳ năm ngoái; Các sản phẩm bảo hiểm còn lại chiếm tỷ trọng 7,91%, tăng 39,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, sản phẩm bảo hiểm trọn đời chiếm tỉ trọng 0,0003%, sản phẩm bảo hiểm hưu trí chiếm tỷ trọng 0,04%, sản phẩm bảo hiểm sức khỏe chiếm tỷ trọng 7,9%. 

Tổng số lượng hợp đồng có hiệu lực cuối kỳ (sản phẩm chính) là 13.229.734 hợp đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về cơ cấu số lượng hợp đồng theo sản phẩm, sản phẩm được ưa chuộng và chiếm tỉ trọng cao nhất gồm sản phẩm bảo hiểm liên kết chung (51,1%) và sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp (26%).

Về chi trả quyền lợi bảo hiểm 3 tháng đầu năm 2022 các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã thực hiện chi trả là 8.930 tỉ đồng, tăng 42% với cùng kỳ năm trước./.

Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam