Hỗ trợ - Hotline +(84)43 9428 106

Tổng quan thị trường Bảo hiểm Việt Nam năm 2017

Năm 2017, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Chính phủ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh… GDP đạt 6.7%, cao nhất trong vòng 10 năm qua. Thu nhập bình quân đầu người (GDP/người) cũng được cải thiện đáng kể với con số 2.385 USD/người, tăng 170 USD so với năm trước. Năm 2017, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam ghi nhận mức kỷ lục trong vòng 10 năm. Vốn FDI đăng ký đạt 35,88 tỷ USD, cao nhất kể từ năm 2009. Trong khi đó, vốn FDI thực hiện lên tới 17,5 tỷ USD, cũng xác lập kỷ lục 10 năm.

Năm vừa qua, công tác chỉ đạo, quản lý, giám sát của Bộ tài chính (Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm) được thực hiện hiệu quả, cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp bảo hiểm, các hoạt động hỗ trợ của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, thị trường bảo hiểm tiếp tục phát triển ấn tượng:

1. Ngành bảo hiểm tiếp tục đà tăng trưởng tốt những năm vừa qua, khẳng định vai trò là tấm lá chắn vững chắc và là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả của nền kinh tế

Tổng doanh thu của thị trường bảo hiểm đạt 131.990 tỷ đồng, tương đương 2,64% GDP. Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 105.611 tỷ đồng (tăng 21,20% so với năm 2016). Tổng tài sản: ước đạt 302.935 tỷ đồng (tăng 23,44% so với năm 2016), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phi nhân thọ ước đạt 73.585 tỷ đồng, các DNBH nhân thọ ước đạt 229.350 tỷ đồng. 

Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm: ước đạt 190.930 tỷ đồng (tăng 24,61% so với năm 2016), trong đó các DNBH phi nhân thọ ước đạt 23.020 tỷ đồng, các DNBH nhân thọ ước đạt 167.910 tỷ đồng.

Tổng nguồn vốn chủ sở hữu: ước đạt 63.584 tỷ đồng (tăng 18,67% so với năm 2016), trong đó các DNBH phi nhân thọ ước đạt 25.314 tỷ đồng, các DNBH nhân thọ ước đạt 38.270 tỷ đồng.

Chi trả quyền lợi bảo hiểm: ước đạt 29.423 tỷ đồng (tăng 14,92% so với năm 2016), trong đó các DNBH phi nhân thọ ước đạt 14.951 tỷ đồng, các DNBH nhân thọ ước đạt 14.472 tỷ đồng.

Đầu tư trở lại nền kinh tế: ước đạt 247.801 tỷ đồng (tăng 26,74% so với năm 2016), trong đó các DNBH phi nhân thọ ước đạt 38.841 tỷ đồng; các DNBH nhân thọ ước đạt 208.960 tỷ đồng.

Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ duy trì mức tăng trưởng ổn định; công tác quản trị doanh nghiệp được cải thiện, giảm tình trạng nợ đọng phí bảo hiểm. Doanh thu ước đạt 40.561 tỷ đồng, tăng trưởng 10,61%. Dẫn đầu doanh thu khai thác (ước đạt) là Bảo Việt 8.050 tỷ đồng, PVI 6.777 tỷ đồng, Bảo Minh 3.261 tỷ đồng, PTI 3.206 tỷ đồng, PJICO 2.611 tỷ đồng (5 doanh nghiệp top đầu chiếm khoảng 58% thị phần, các doanh nghiệp bảo hiểm còn lại chiếm 42%).

Bảo hiểm xe cơ giới ước doanh thu đạt 13.234 tỉ đồng chiếm tỉ trọng 32% trong tổng doanh thu toàn thị trường, tăng trưởng 9%. Bảo hiểm sức khỏe doanh thu ước đạt 12.018 tỉ đồng chiếm tỉ trọng 29%, tăng trưởng 25%. Bảo hiểm tài sản thiệt hại doanh thu ước đạt 5.728 tỉ đồng chiếm tỉ trọng 14%, tăng trưởng 3.4%. Bảo hiểm cháy nổ doanh thu ước đạt 3.558 tỉ đồng chiếm tỉ trọng 8%, tăng trưởng 23%. Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển doanh thu ước đạt 2.495 tỉ đồng chiếm tỉ trọng 6%, tăng trưởng 13%. Bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu doanh thu đạt 1.982 tỉ đồng chiếm tỉ trọng 5%, tăng trưởng giảm 15%.

Thị trường bảo hiểm nhân thọ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao. tổng doanh thu ước đạt 65.050 tỷ đồng, tăng trưởng 28,9%. Dẫn đầu là Bảo Việt nhân thọ 17.455 tỷ đồng, Prudential 16.212 tỷ đồng, Manulife 8.126 tỷ đồng, Dai-ichi 8.052 tỷ đồng, AIA 6.295 tỷ đồng (5 doanh nghiệp top đầu chiếm khoảng 83% thị phần, các doanh nghiệp bảo hiểm còn lại chiếm 17%). Tổng số hợp đồng bảo hiểm sản phẩm chính có hiệu lực đến cuối kỳ là 7.234.536 hợp đồng, tăng 13%, dẫn đầu là Bảo Việt nhân thọ 2.064.737 hợp đồng, Prudential 1.842.425 hợp đồng, Manulife 805.268 hợp đồng, Dai-ichi 691.552 hợp đồng, AIA 633.717 hợp đồng.

Số lượng đại lý bảo hiểm nhân thọ có mặt cuối kỳ là 576.8338 đại lý, tăng 20%, dẫn đầu là Prudential 193.421 đại lý, Bảo Việt 170.273 đại lý,  Dai-ichi 75.374 đại lý, AIA 36.723 đại lý, Manulife 26.867 đại lý.

(*): số liệu theo báo cáo ước của các doanh nghiệp bảo hiểm thời điểm tháng 12 năm 2017, doanh thu top 5 được cập nhật vào tháng 3 năm 2018

2. Chế độ quản lý Nhà nước được tăng cường, môi trường pháp lý được cải thiện

- Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 50/2017/TT-BTC ngày 15/5/2017, hướng dẫn Nghị định của Chính phủ số 73/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 và thay thế cho 3 Thông tư gồm Thông tư 124/2012/TT-BTC, Thông tư 125/2012/TT-BTC và Thông tư 194/2014/TT-BTC. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm đã ngày càng hoàn thiện nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm phát triển kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích của người tham gia bảo hiểm.

- Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 1201/QĐ-BTC về việc công bố mức phí bảo hiểm thuần đối với sản phẩm bảo hiểm vật chất xe ô tô có hiệu lực từ ngày 01/7/2017. Quy định về biểu phí thuần giúp cho hạ nhiệt tình trạng cạnh tranh không lành mạnh thông qua hạ phí bảo hiểm không tương xứng với rủi ro.

- Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2017, trong đó đã bỏ chương hợp đồng bảo hiểm so với Bộ luật cũ, quy định này đã tháo gỡ nhiều vướng mắc cho doanh nghiệp bảo hiểm khi tham gia xét xử tại tòa, khi căn cứ xét xử lúc này sẽ không bị quá chồng chéo giữa Luật Kinh doanh bảo hiểm và Bộ luật Dân sự.

- Bộ luật Hình sự năm 2017 sửa đổi khoản 1 và khoản 5 điều 213 của Bộ Luật Hình sự 2015 về tội Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm, quy định sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2018

- Thông tư 329/2016/TT-BTC ngày 26/12/2016 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 119/2015/NĐ-CP quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, bao gồm: bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng, bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường và bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba, Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/3/2017

3. Những nét chính, sự kiện nổi bật của thị trường bảo hiểm năm 2017

- Năm 2017, Aviva mua lại 50% cổ phần của Vietinbank, Công ty bảo hiểm Vietinbank Aviva chuyển thành Aviva Việt Nam. PJICO năm 2017 cũng đã thông qua việc bán 20% cổ phần cho Samsung Fire & Marine Insurance

- Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm chính thức chuyển từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam sang quản lý tập trung tại Bộ Tài chính theo quy định tại Nghị định 73/2016/NĐ-CP. Ban Điều hành Quỹ đã chính thức ra mắt ngày 18/12/2017, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ là Ông Phùng Ngọc Khánh – Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm.

- Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm (Trung tâm nghiên cứu và đào tạo) đang phối hợp cùng với ANZIIF để xây dựng khung tiêu chuẩn năng lực và hệ thống chứng chỉ nghề nghiệp cho ngành bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam

- Bộ Tài chính và Bộ Công thương đã ký Quy chế số 4330/QCPH/BTC-BCT ngày 31/3/2017 về việc phối hợp giữa Bộ Tài chính và Bộ Công thương trong việc phê chuẩn sản phẩm, đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung đối với bảo hiểm nhân thọ đảm bảo việc đăng ký hợp đồng mẫu được thông suốt, kịp thời.

4. Dự báo thị trường bảo hiểm năm 2018

Năm 2018, nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bảo hiểm nói riêng dự kiến sẽ tiếp tục khởi sắc, GDP phấn đấu ở mức 6.7%, các chính sách của Chính phủ vẫn tập trung ưu tiên cho phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việt Nam đang ngày càng hội nhập khu vực và thế giới một cách mạnh mẽ hơn, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng sẽ hỗ trợ nhiều cho nền kinh tế đi lên nhanh chóng. Bộ Tài chính, Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm vẫn sẽ sát sao, đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, rút ngắn thời gian xử lý thủ tục hành chính, tạo hành lang pháp lý để thị trường bảo hiểm phát triển.

Năm 2018, cơ quan quản lý Nhà nước đang nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển hơn nữa thị trường bảo hiểm:

- Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm, dự kiến tiến hành sửa đổi vào năm 2020, công tác chuẩn bị để sửa đổi đang được tiến hành ngay từ bây giờ để tổng kết các nội dung còn khó khăn, vướng mắc cũng như những đề xuất sửa đổi để đưa vào dự thảo Luật.

- Cơ chế phối hợp giữa Bộ Tài chính và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về kết nối thông tin giữa bảo hiểm thương mại và bảo hiểm xã hội đang tiếp tục được xây dựng

- Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm đang phối hợp với Ủy ban chứng khoán Nhà nước xây dựng Đề án tái cơ cấu thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm

- Nghị định về bảo hiểm nông nghiệp đã hoàn thành các bước ở Bộ Tài chính và đã trình lên Chính phủ xem xét chuẩn bị ban hành.

- Nghị định về triển khai bảo hiểm vi mô.

- Nghị định thay thế Nghị định số 27/2007/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính

- Thông tư thi chứng chỉ đại lý bảo hiểm.

- Nghị định số 23/2018/NĐ-CP quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

- Thông tư hướng dẫn Nghị định số 146/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2016/NĐ-CP và Nghị định số 12/2015/NĐ-CP của Chính phủ

- Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 98/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm đã hoàn thành các bước ở Bộ Tài chính và đã trình lên Chính phủ xem xét chuẩn bị ban hành.

- Văn bản hướng dẫn về bảo hiểm tài sản công theo Nghị định số 151/2017/NĐ-CP quy định về Luật Quản lý sử dụng tài sản công.

Bên cạnh những thay đổi về cơ chế chính sách, thị trường bảo hiểm trong năm 2018 cũng cần phải lưu ý đến những tồn tại cần phải dần được khắc phục thông qua sự đồng tâm nhất trí của các doanh nghiệp bảo hiểm, sự chung tay của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, sự tăng cường công tác quản lý, giám sát của cơ quan Nhà nước:

            - Tình trạng cạnh tranh hạ phí bảo hiểm không phù hợp với tỷ lệ rủi ro được bảo hiểm vẫn còn tồn tại, nhiều chi nhánh, công ty thành viên của doanh nghiệp bảo hiểm sẵn sàng chấp nhận những rủi ro xấu chỉ để thu được phí bảo hiểm.

- Tình hình thiên tai, bão lũ trong năm 2018 được cho là sẽ vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp cần tìm kiếm những thông tin, dự báo trước và khi sự kiện thiên tai đã xảy ra thì cần nhanh chóng, kịp thời giải quyết chi trả bảo hiểm để giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống.

            - Tình trạng các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tranh giành đại lý của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ khác, việc đại lý chuyển liên tục từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác cũng nảy sinh nhiều bất cập như chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với doanh nghiệp cũ hoặc đã thực hiện nhưng doanh nghiệp gây khó dễ không muốn đại lý chuyển đi.

            - Cần nâng cao chất lượng của đại lý bán bảo hiểm nhân thọ, đảm bảo giải thích đầy đủ, rõ ràng cho khách hàng các điều kiện điều khoản của hợp đồng tránh việc khi hợp đồng đang có hiệu lực, khách hàng phát sinh những vướng mắc lại đổ lỗi cho doanh nghiệp bảo hiểm, làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của doanh nghiệp bảo hiểm nói riêng và ngành bảo hiểm nói chung.

 

Năm 2018 với nhiều cơ hội và thách thức như đã nêu trên, cùng với sự hợp tác nỗ lực của các doanh nghiệp bảo hiểm, dự đoán thị trường bảo hiểm duy trì mức tăng trưởng trên 20% (trong đó bảo hiểm nhân thọ dự kiến khoảng 26% - 28%, bảo hiểm phi nhân thọ dự kiến tăng trưởng mức 10% - 12%)./.