Hỗ trợ - Hotline +(84)43 9428 106

Tổng hợp tin tức bảo hiểm thế giới và khu vực tháng 02/2022

Tổng hợp tin tức bảo hiểm thế giới và khu vực tháng 02/2022 Hạn chế về nguồn cung đã kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế ở châu Âu

IMF: Hạn chế về nguồn cung đã kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế ở châu Âu

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong năm 2021, những hạn chế về nguồn cung đã kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế ở châu Âu và tình trạng này có thể kéo dài đến năm 2023.

Báo cáo của IMF cho rằng, nếu không có những quy định hạn chế nhằm phòng ngừa sự lây lan của đại dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế của châu Âu trong năm ngoái có thể sẽ tăng thêm khoảng 2 điểm phần trăm.

Con số này tương đương "khoảng 1 năm tăng trưởng ở mức trung bình của nhiều nền kinh tế châu Âu trước khi đại dịch bùng phát".

Trong khi đó, sản lượng sản xuất trong khu vực đồng euro có thể đạt mức 6% nếu như không có những rắc rối về nguồn cung.

Giới chức IMF đánh giá mặc dù nhiều dự báo cho rằng các quy định hạn chế phòng dịch COVID-19 sẽ được nới lỏng trong năm nay, tuy nhiên sự lây lan của biến thể Omicron đã mang tới "sự bất ổn mới."

Báo cáo của IMF nêu rõ: "Châu Âu và Trung Quốc đã áp đặt các biện pháp hạn chế mới và qua đó sẽ gây ra nhiều gián đoạn hơn về nguồn cung. Nhìn chung, sự gián đoạn nguồn cung có thể còn kéo dài lâu nữa, có thể là tới năm 2023."

Báo cáo của IMF cho rằng đại dịch COVID-19 gây ra 40% sự gián đoạn về nguồn cung. Tuy nhiên, cơ quan này cũng cảnh báo tình trạng thiếu hụt lao động và cơ sở hạ tầng bị xuống cấp "có thể có ảnh hưởng dai dẳng hơn đến nguồn cung và lạm phát hơn là việc các nhà máy buộc phải ngừng hoạt động".

IMF kêu gọi giải quyết "các nút thắt nguồn cung một cách trực tiếp bằng việc ra các quy định cụ thể, trong đó bao gồm cả việc mở rộng giờ hoạt động tại các cảng, đẩy nhanh các giấy phép cần thiết cho các hoạt động vận tải và hậu cần và thúc đẩy nhập cư để giải quyết tình trạng thiếu lao động".

Theo IMF, các chính sách áp dụng quá rộng rãi có thể thúc đẩy nhu cầu và gây ra nhiều nút thắt về nguồn cung hơn, cũng như khiến tình trạng lạm phát trở nên tồi tệ hơn.

Báo cáo nêu rõ: "Các biện pháp quản lý và tài khóa có mục tiêu càng thành công trong việc giảm bớt các nút thắt nguồn cung, thì sẽ càng giảm thiểu khả năng các nhà hoạch định chính sách buộc phải giảm tổng cầu và tăng trưởng kinh tế để kiềm chế lạm phát"./.

 

Đại dịch COVID-19 khiến giá cả trên thế giới tăng phi mã 

Giá cả trên thế giới phi mã do đại dịch Covid-19; tại các nước châu Âu, giá cả tăng nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ khi đồng tiền chung euro được đưa vào sử dụng vào đầu năm 1999.

Tỷ lệ lạm phát năm 2021 ở Vương quốc Anh đã lên tới 5,4% trong tháng 12, con số cao nhất trong gần 30 năm qua trong khi giá tiêu dùng của Canada đang tăng nhanh gấp đôi so với thời điểm trước đại dịch COVID-19.

Ngay ở Nhật Bản, nơi giá cả đã giảm gần như liên tục kể từ khi bong bóng bất động sản sụp đổ vào cuối những năm 1980, Ngân hàng trung ương Nhật Bản đánh giá đợt lạm phát năm 2021 vẫn là đợt tăng mạnh nhất. Trong số các nền kinh tế lớn hiện nay, chỉ có Trung Quốc ghi nhận tỉ lệ lạm phát thấp hơn so với đầu năm 2020.

Riêng tại Mỹ, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang cân nhắc biện pháp giải quyết tỉ lệ lạm phát 7% - mức cao nhất trong số các nền kinh tế lớn trên thế giới. Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - bộ phận hoạch định chính sách của FED, dự kiến sẽ tăng lãi suất bắt đầu vào tháng 3 tới. Lạm phát đang xóa sổ việc tăng lương đối với hầu hết người Mỹ.

Một số nhà kinh tế Mỹ cho rằng người dân nước này đang chứng kiến lạm phát tăng nhanh hơn những nơi khác do cấu trúc của nền kinh tế và bản chất của cuộc giải cứu tài chính được Chính phủ Mỹ triển khai để chống lại đại dịch COVID-19. Vào tháng 3/2020, khi Mỹ áp đặt lệnh phong tỏa đầu tiên đẩy nền kinh tế hàng đầu thế giới vào tình trạng đình trệ, Quốc hội nước này đã phê duyệt tổng cộng gần 6.000 tỷ USD để giữ cho người Mỹ có thể đảm bảo chi tiêu tài chính.

Trong thời kỳ làm việc tại nhà, hàng triệu người Mỹ đã chuyển chi tiêu của họ từ nhà hàng và rạp chiếu phim sang mua hàng hóa. Việc mua tất cả quần áo, máy tính xách tay và đồ nội thất và ô tô đã làm tăng giá hàng hóa một cách bền vững, trong khi các nhà cung cấp phải vật lộn để theo kịp nhu cầu. Trong năm 2021, giá hàng hóa tại Mỹ đã tăng 16,8%, gấp hơn 4 lần mức tăng của các dịch vụ, chẳng hạn như ăn uống tại nhà hàng, cắt tóc hoặc chăm sóc y tế.

Trong khi đó, tình trạng lạm phát ở một số nước khu vực Nam sa mạc Sahara châu Phi lại khác so với Mỹ. Tại khu vực này, chi phí nhiên liệu tăng đồng nghĩa với việc phân bón đắt hơn, dẫn đến giá lương thực cao hơn trong năm 2021. Thực phẩm chiếm 40% chi cho tiêu dùng trong khi tỉ lệ lạm phát đã tăng vọt từ 6% lên 9%.

Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu rối ren, các cảng ở Rotterdam và Thượng Hải cũng như ở Los Angeles đang bị ngưng trệ và làm tăng chi phí các loại hàng hóa bao gồm cả lương thực và năng lượng, giá dầu trên thế giới trong năm 2021 đã tăng hơn 55%; Niken - được sử dụng trong các nhà máy ô tô và hàng không, tăng 27% trong khi giá cà phê đã tăng gần như gấp đôi.

Trong tình cảnh trên, một số ngân hàng trung ương, bao gồm cả các ngân hàng ở Mexico và Hungary, đã liên tục tăng lãi suất trong 2 năm dịch COVID-19 hoành hành. Ngân hàng trung ương Nga đã tăng lãi suất chủ chốt lần thứ 7 trong năm 2021. Tại Trung Quốc, nơi nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, ngân hàng trung ương đã cắt giảm lãi suất cho vay.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, những vấn đề quốc tế ảnh hưởng đến lạm phát chỉ là tạm thời, sự gián đoạn chuỗi cung ứng cuối cùng sẽ được giải quyết và bệnh COVID-19 được cho là sẽ trở thành căn bệnh đặc hữu. Tuy nhiên, sau tất cả những khủng hoảng về kinh tế do tác động từ đại dịch COVID- 19, sẽ không có bất kỳ sự đảm bảo nào là chắc chắn.

 

Nhật Bản dự định hỗ trợ nền kinh tế với kế hoạch chi tiêu gần 940 tỷ USD

Ngân sách tài chính cho năm tài khóa 2022-2023 bắt đầu từ tháng 4/2022, với trị giá gần 940 tỷ USD, qua đó là kế hoạch chi tiêu lớn nhất của Nhật Bản.

Một ủy ban của Quốc hội Nhật Bản ngày 21/2 thông qua kế hoạch chi tiêu ban đầu gần 940 tỷ USD của chính phủ cho năm tài chính tiếp theo.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đang dựa vào ngân sách để đưa nền kinh tế lớn thứ ba thế giới thoát khỏi tình trạng ảm đạm do đại dịch COVID-19 gây ra với nền kinh tế dự kiến tăng trưởng chậm lại trong quý này.

Ngân sách tài chính cho năm tài khóa 2022-2023 bắt đầu từ tháng 4/2022, với trị giá gần 940 tỷ USD, qua đó là kế hoạch chi tiêu lớn nhất của Nhật Bản.

Gói tài chính mở rộng cũng sẽ làm tăng thêm "gánh nặng" nợ nần của nền kinh tế lớn thứ hai châu Á, với gấp hai lần quy mô của nền kinh tế Nhật Bản./.

Ảnh: Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất ôtô ở tỉnh Aichi, Nhật Bản.

 

Thái Lan ưu đãi thúc đẩy sản xuất xe điện giai đoạn 2022 - 2025

Chính phủ Thái Lan vừa chính thức thông qua gói các biện pháp ưu đãi nhằm đẩy mạnh việc sản xuất và sử dụng xe điện ở nước này, trong đó bao gồm các chương trình giảm thuế cùng các khoản trợ cấp trong vòng ba năm, giai đoạn 2022 - 2025.

Chương trình ưu đãi của Chính phủ Thái Lan được triển khai trong thời gian từ năm 2022 đến 2025 nhằm đạt mục tiêu đến năm 2030 có thể bảo đảm 30% trong tổng sản lượng xe ô tô mà Thái Lan sản xuất sẽ là xe điện; đồng thời việc này cũng phù hợp với chính sách xe hơi không phát thải của nước này.

Trong vòng hai năm đầu tiên, các biện pháp được triển khai sẽ tập trung vào việc khuyến khích người tiêu dùng Thái Lan sử dụng rộng rãi xe điện bằng cách giảm thuế vào trợ giá cho các mẫu xe điện nhập khẩu và sản xuất trong nước.

Trong năm cuối cùng, Chính phủ Thái Lan sẽ tập trung chủ yếu vào việc thúc đẩy sản xuất xe điện trong nước và hủy bỏ một số lợi ích đối với xe điện nhập khẩu.

Chương trình được triển khai nhằm khuyến khích các công ty đẩy nhanh việc sản xuất xe điện trong nước, đáp ứng nhu cầu đang ngày một gia tăng.

Theo chương trình ưu đãi được thông qua, Chính phủ Thái Lan sẽ cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu đối với xe điện, cũng như trợ giá từ 70.000 bạt (hơn 2.000 USD) tới 150.000 bạt (gần 5.000 USD) tùy theo loại và mẫu xe điện.

Thái Lan cũng sẽ cắt giảm đáng kể thuế nhập khẩu đối với các bộ phận điện tử quan trọng để sản xuất xe điện như pin, động cơ kéo, máy nén, hệ thống quản lý pin, bộ điều khiển lái hay hộp số.

Chính phủ Thái Lan cũng thông qua khoản tài chính trị giá 3 tỷ bạt từ ngân sách trung ương trong năm tài khóa 2022 để dành cho chương trình trợ giá; đồng ý về mặt nguyên tắc sẽ dành 40 tỷ bạt trong khoảng thời gian từ năm 2023 - 2025 để thúc đẩy việc sử dụng xe điện ở nước này.

Trước đó, tháng 3/2021, Thái Lan cũng công bố mục tiêu đưa lượng xe điện sản xuất trong nước chiếm 50% tổng số xe điện ở nước này vào năm 2030, góp phần biến Thái Lan trở thành một trung tâm sản xuất xe điện trong khu vực. Trong những năm sắp tới, nước này dự kiến sẽ đầu tư khoảng 400 tỷ bạt (hơn 12 tỷ USD) cho việc sản xuất xe điện./.

 

Indonesia tổ chức Hội nghị lãnh đạo Bộ Tài chính và Ngân hàng G20

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nước phát triển và mới nổi (G20) sẽ được tổ chức lần đầu tiên trong năm nay vào ngày 17/2 và 18/2 tại thủ đô Jakarta của Indonesia - nước hiện giữ chức Chủ tịch G20.

Trong tuyên bố ngày 14/2, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Indonesia Perry Warjiyo cho biết, hội nghị lần này sẽ tập trung thảo luận về một loạt vấn đề nổi trội hiện nay như lạm phát, bình thường hóa các chính sách và chuyển đổi số nhằm hỗ trợ các nước thành viên nhóm phục hồi kinh tế sau 2 năm chịu nhiều khủng hoảng từ đại dịch COVID-19.

Ngoài ra, các đại biểu tham dự hội nghị cũng sẽ bàn về sự phát triển và ổn định của thị trường tài chính toàn cầu. Hội nghị sẽ được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Jakarta và sân vận động Gelora Bung Karno ở trung tâm Jakarta. Trước đó, lãnh đạo Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương các nước G20 sẽ có phiên họp trù bị trong 2 ngày 15/2 và 16/2. Cả hai cuộc họp ban đầu dự kiến diễn ra ở Nusa Dua, hòn đảo nghỉ mát nổi tiếng Bali của Indonesia, nhưng sau đó đã chuyển đến Jakarta vì chính quyền Indonesia cho rằng thành phố thủ đô an toàn hơn do tỷ lệ tiêm chủng COVID-19 tại đây cao.

Theo thông báo gần đây của Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawat, các cuộc họp sẽ diễn ra theo 2 hình thức trực tuyến và trực tiếp với các quy định về y tế chặt chẽ.

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương G20 diễn ra trong bối cảnh số ca mắc COVID-19, bao gồm các ca nhiễm biến thể Omicron hằng ngày gia tăng tại Indonesia./.

 

Hàn Quốc dẫn đầu thế giới về đầu tư cho thiết bị chip bán dẫn

Ngày 13/1, Hiệp hội Thiết bị và vật liệu chip bán dẫn quốc tế (SEMI) dự báo trong năm nay, Hàn Quốc sẽ trở thành nhà đầu tư lớn nhất thế giới vào thiết bị sản xuất chip bán dẫn, tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc) và Trung Quốc.

Trong báo cáo quý mang tên “Dự báo sản xuất chip bán dẫn thế giới” (WFF), SEMI dự báo trong năm nay, chi tiêu trên toàn cầu cho thiết bị sản xuất chip bán dẫn sẽ tăng 10% so với năm ngoái, lên tới mức 98 tỷ USD cao nhất từ trước đến nay, đánh dấu năm tăng thứ ba liên tiếp.

Chi tiêu cho sản xuất chip theo hợp đồng dự kiến sẽ chiếm 46%, tăng 13% so với năm ngoái. Tiếp đến là chi tiêu cho sản xuất bộ nhớ (chiếm 37%). Chi tiêu toàn cầu cho thiết bị sản xuất chip bán dẫn đã tăng 17% trong năm 2020 và tăng 39% trong năm 2021.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành SEMI Ajit Manocha nêu rõ: "Ngành công nghiệp thiết bị bán dẫn đã ghi nhận một giai đoạn tăng trưởng chưa từng có với mức chi tiêu tăng trong 6 trong số 7 năm qua trong bối cảnh các nhà sản xuất chip tăng hoạt động sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trên thế giới về một loạt các công nghệ mới nổi, trong đó có trí tuệ nhân tạo, máy tự động và máy tính lượng tử".

Ông nhấn mạnh nhu cầu này gia tăng mạnh trong đại dịch COVID-19 vì điện tử đóng vai trò rất quan trọng trong làm việc, học tập và chăm sóc sức khỏe từ xa cũng như phục vụ các ứng dụng khác.

Tháng 11/2021, Samsung, nhà sản xuất chip bộ nhớ lớn nhất thế giới, thông báo sẽ đầu tư 17 tỷ USD xây dựng một nhà máy mới sản xuất chip bán dẫn ở Taylor, bang Texas (Mỹ), nhằm tăng sản lượng trong bối cảnh thiếu chip trên toàn cầu./.

 

Ai Cập: Chiếc nôi thương mại điện tử của châu Phi

Sau khi mạnh mẽ bứt phá và ghi nhận mức doanh số 100 tỷ USD trong năm 2021, thương mại điện tử của Ai Cập được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 30% vào cuối năm 2022.

Trong một báo cáo vừa công bố, Giám đốc điều hành hãng tư vấn BOOST, ông Sherif Makhlouf, nhận định, thương mại điện tử sẽ là một trong những lĩnh vực nổi bật ở Ai Cập trong 5 năm tới.

Thương mại điện tử đang trở thành hiện thực ở Ai Cập, khi đất nước này được xếp hạng quốc gia có mức độ dành thời gian trực tuyến cao nhất khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy người tiêu dùng Ai Cập thay đổi thói quen, đón nhận những trải nghiệm mới, tạo cơ hội tăng trưởng cho các nhà bán lẻ lớn, nhỏ cũng như thế hệ của những người mới trong cuộc chơi thương mại điện tử.

Ông Abdulkarim A. Alagil, Giám đốc điều hành của hệ thống Jarir Bookstore, cho rằng, thương mại điện tử của Ai Cập sẽ tăng 33% mỗi năm và sẽ đạt 3 tỷ USD vào năm 2022. Sự thâm nhập của Internet công nghệ cao, mở rộng lựa chọn sản phẩm, cải thiện cơ sở hạ tầng hậu cần và thanh toán là những chìa khóa hỗ trợ sự tăng trưởng này. Thống kê gần đây cho thấy, gần 70% người mua sắm trực tuyến tại Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) và Ai Cập đã mua thiết bị điện tử trực tuyến ít nhất một lần, chủ yếu sử dụng qua nền tảng điện thoại thông minh (56% so với 31% sử dụng máy tính để bàn). Khi người tiêu dùng hoạt động trên các nền tảng trực tuyến, các doanh nghiệp thường theo đó sẽ phát triển dần dần hệ sinh thái kỹ thuật số trong các lĩnh vực như truyền thông và thương mại điện tử.

Sự phát triển của thương mại điện tử ở Ai Cập đòi hỏi các quy định mới để quản lý cũng như thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực này, nhất là sự giám sát liên tục để tích hợp lĩnh vực này vào nền kinh tế chính thức. Bên cạnh đó, ngành này cũng cần sự hỗ trợ về cơ sở hạ tầng và hậu cần, các chính sách về bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Ngoài ra, ông Makhlouf cho rằng, một mạng lưới thương mại thống nhất sẽ tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tham gia đăng ký nhằm đảm bảo sự an toàn và chất lượng cho hàng hóa, đồng thời kêu gọi nhà chức trách Ai Cập ban hành luật thương mại điện tử càng sớm càng tốt, qua đó khẳng định được tầm quan trọng của việc phát triển chiến lược quốc gia về thương mại điện tử. Giám đốc điều hành BOOST cũng kêu gọi giới chức Ai Cập tăng cường quản lý các giao dịch tài chính trong hệ thống thương mại điện tử, khuyến khích các ngân hàng thiết lập một hệ thống tiên tiến chấp nhận các giao dịch đó, mở rộng hệ thống thanh toán điện tử và chữ ký điện tử, đồng thời khuyến khích các nền tảng mua sắm điện tử giảm giá nhiều hơn cho khách hàng.

Dự báo, năm 2022 sẽ chứng kiến sự tham gia của nhiều nền tảng thương mại điện tử toàn cầu hơn vào thị trường Ai Cập, đặc biệt quần áo may sẵn, thực phẩm và thiết bị điện tử./.

Theo TTXVN