Hỗ trợ - Hotline +(84)43 9428 106

Tiêu điểm tháng 5 năm 2022

Đại dịch COVID - 19 đã vào giai đoạn sắp chấm dứt, cuộc sống dần trở nên bình thường. Việt Nam chính thức mở cửa du lịch cho khách quốc tế từ ngày 15/03/2022 (với điều kiện khách có chứng nhận đã tiêm chủng COVID - 19, có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính PCR trong vòng 72h, có bảo hiểm cho điều trị COVID - 19 mức tối thiểu 10.000 USD và phải khai báo y tế; tuy nhiên từ ngày 27/04/2022 đã bỏ yêu cầu phải khai báo y tế, và có thể trong tháng 5 này sẽ bỏ cả quy định về việc khách quốc tể phải có xét nghiệm âm tính và phải có bảo hiểm y tế điều trị COVID19).

Tiêu điểm tháng 5 năm 2022

Nền kinh tế Việt Nam bắt đầu khởi sắc so với giai đoạn cao điểm đại dịch. Quý I/2022, nền kinh tế tăng trưởng 5,03% (cao hơn mức tăng trưởng 4,72% của quý I/2021), có sự tăng trưởng tốt ở mọi lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, xuất nhập khẩu.

Hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng trưởng ổn định. Tính tới cuối tháng 4/2022, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) ước đạt 737.541 tỷ đồng, tăng 21,16% so với cùng kỳ năm 2021 (trong đó các DNBH phi nhân thọ ước đạt 106.519 tỷ đồng, các DNBH nhân tho ước đạt 631.022 tỷ đồng). Về doanh thu phí bảo hiểm, toàn thị trường 4 tháng đầu năm 2022 dự kiến đạt 74.036 tỷ đồng, tăng 14,09% so với cùng kỳ năm trước (trong đó bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 22.254 tỷ đồng, tăng 13%, bảo hiểm nhân thọ ước đạt 51.782 tỷ đồng, tăng 14,5%).

Mức tăng trưởng 12,58% của bảo hiểm phi nhân thọ là rất tích cực nếu so với mức tăng trưởng gần 4% của năm 2021, và đà tăng trưởng này dự kiến sẽ còn tiếp tục duy trì trong năm 2022 khi nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch, cùng với những thuận lợi về chính sách (như chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có hiệu lực từ tháng 12/2021 và kéo dài trong 6 tháng sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng doanh số bán xe và phí bảo hiểm xe cơ giới; Nghị định 97/2021/NĐ-CP về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc được kỳ vọng sẽ gián tiếp khuyến khích nhu cầu mua bảo hiểm cháy nổ; Nghị định số 20/2022 NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng bổ sung quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba, tạo cơ sở tăng trưởng doanh thu cho bảo hiểm trách nhiệm, …). Tuy nhiên, tỷ lệ bồi thường nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ, đặc biệt các nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm con người cũng có xu hướng tăng mạnh so với năm 2021 sau khi người dân trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường.

Đà tăng của bảo hiểm nhân thọ đã có dấu hiệu giảm trong 2 năm gần đây (đạt dưới 20%, so với mức tăng 30% những năm trước), số lượng hợp đồng và phí bảo hiểm khai thác mới 4 tháng năm 2022 đã có dấu hiệu sụt giảm so với cùng kỳ năm 2021. 

Nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe vốn có xu thế tăng trưởng nhanh hơn các nhóm nghiệp vụ khác trong những năm gần đây, nhưng đặc biệt trong thời kỳ đại dịch COVID 19 đã tăng trưởng rất mạnh (dự kiến 4 tháng năm 2022, nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe thuộc khối nhân thọ tăng khoảng 50%, khối phi nhân thọ tăng xấp xỉ trên 20%). Điều này chứng tỏ các sản phẩm bảo hiểm chăm sóc sức khỏe ngày càng được sự quan tâm của người dân. Tuy nhiên, quản trị rủi ro và ngăn ngừa gian lận bảo hiểm trong bảo hiểm sức khỏe là vấn đề các DNBH cần đặc biệt lưu ý.

Trong tháng 4 vừa qua, nhiều DNBH phi nhân thọ đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông, với những kết quả kinh doanh năm 2021 rất ấn tượng, đặc biệt về hiệu quả kinh doanh, với đa số các DNBH đều có lợi nhuận sau thuế tăng trưởng đáng kể so với năm 2021. Giá cổ phiếu của các DNBH niêm yết trên thị trường đều tăng so với thời điểm cuối năm 2021.

Sau thời gian xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật Kinh doanh Bảo hiểm sửa đổi với sự công phu, cầu thị của cơ quan soạn thảo (Bộ Tài chính) và cơ quan thẩm định (Ủy ban Kinh tế Quốc hội cùng các bộ, ngành liên quan), dự thảo Luật Kinh doanh Bảo hiểm sửa đổi dự kiến sẽ được đệ trình tại kỳ họp Quốc hội tháng 5/2022. Hy vọng, Luật kinh doanh Bảo hiểm sửa đổi sẽ tạo điều kiện tốt hơn trong việc phát triển một thị trường bảo hiểm minh bạch, đáp ứng được những thay đổi nhanh chóng trong kỷ nguyên chuyển đổi số.

Trong tháng 4/2022, Cơ quan Thường trưc Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (CQTT Hiệp hội) và ban chuyên môn bán chuyên trách về chuyên gia tính toán bảo hiểm (Actuary) đã làm việc với Hội định phí bảo hiểm phi nhân thọ Bắc Mỹ (CAS) về việc phối hợp tổ chức khóa học online với chủ đề “Định phí bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam” nhằm phát triển nghiệp vụ định phí bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiêm sức khỏe, dự kiến bắt đầu từ cuối tháng 6/2022. Ngoài ra, CQTT Hiệp hội đã tổng hợp mẫu giấy chứng nhận bảo hiểm cháy nổ bắt buộc của các DNBH phi nhân thọ hội viên gửi cho Cục Phòng cháy chữa cháy.

Trong tháng 4/2022, Văn phòng cơ quan quốc gia thực hiện Nghị định thư số 5 về bảo hiểm xe cơ giới quá cảnh đã có văn bản gửi Bộ Tài chính về những vướng mắc trong việc Bảo hiểm Bảo Việt phối hợp với Cục cửa khẩu về việc cấp thẻ xanh và giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới và đề xuất hướng giải quyết.

Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cũng đã hoàn thành MV ca nhạc tuyên truyền bảo hiểm nhân thọ với tên gọi “Vì ta đã có” để phối hợp với các DNBH nhân thọ hội viên trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo hiểm nhân thọ, lập kế hoạch họp các ban bán chuyên trách kỳ giữa năm (dự kiến vào cuối tháng 6, đầu tháng 7/2022), cũng như thực hiện các công việc chuẩn bị cho Hội nghi các Tổng Giám đốc các DNBH nhân thọ và phi nhân thọ, dự kiến tổ chức vào cuối tháng 7/2022./.

Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam