HIỆP HỘI BẢO HIỂM VIỆT NAM

Ngôi Nhà Chung Của Các Doanh Nghiệp, Tổ Chức Bảo Hiểm Hoạt Động Tại Việt Nam

24/08/2018 10:13:50 SA
Trách nhiệm liên đới của các đại lý cấp cao
Đại lý bảo hiểm là lực lượng bán hàng chính của bảo hiểm nhân thọ, hiện nay lượng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới hàng năm bán qua kênh đại lý cá nhân chiếm khoảng 60-61%. Trên thị trường hiện nay có khoảng 713 nghìn đại lý bảo hiểm đang hành nghề.

Để quản lý hiệu quả hoạt động của đội ngũ đại lý đông đảo này, các doanh nghiệp bảo hiểm sử dụng  những cách thức và mô hình khác nhau, nhưng phổ biến nhất vẫn là mô hình phân ra các cấp đại lý  : đại lý, đại lý các cấp cao hơn có trách nhiệm quản lý, hỗ trợ đại lý các cấp dưới. Từ một đại lý bình thường, các đại lý hoạt động tốt, đáp ứng được các tiêu chí (như doanh thu khai thác phí năm đầu, hay tổng số hoa hồng, số thành viên trong nhóm…) có thể thăng tiến lên các vị trí đại lý cao hơn lần lượt là Trưởng nhóm, Trưởng nhóm kinh doanh cấp cao, Trưởng phòng kinh doanh, Trưởng phòng kinh doanh cấp cao,  Trưởng khu vực kinh doanh,  Giám đốc kinh doanh khu vực, Giám đốc kinh doanh vùng, Giám đốc kinh doanh vùng cấp cao …

Đối với đại lý cấp cao thực hiện các chức năng quản lý đội/nhóm đại lý của mình, DNBH sẽ ký với họ một hợp đồng thường có tên là hợp đồng đại lý bảo hiểm cấp cao, trong đó ngoài các công việc được DNBH ủy quyền như một đại lý bảo hiểm thông thường (giới thiệu; chào bán bảo hiểm; thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm; thu phí bảo hiểm; chăm sóc khách hàng; hỗ trợ công ty giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng…), đại lý cấp cao còn được ủy quyền thực hiện các công việc có tính chất quản lý, giám sát các đại lý khác (như điều phối, giám sát hoạt động nhóm đại lý được giao để đảm bảo nhóm đại lý đạt được các chỉ tiêu và chất lượng kinh doanh; hướng dẫn nghiệp vụ, hỗ trợ các cá nhân đại lý trong nhóm; quản lý, giám sát việc lưu giữ, sử dụng, thu nộp các loại giấy tờ tài liệu, tài sản phục vụ cho hoạt động của các đại lý trong nhóm; giám sát hoạt động tư vấn bảo hiểm và công tác phục vụ khách hàng của các đại lý trong nhóm…), xây dựng, phát triển đội ngũ đại lý (thực hiện các chỉ tiêu về tuyển dụng và phát triển số lượng đại lý bảo hiểm mới…). Ngoài việc nhận hoa hồng  đại lý thông thường từ các hợp đồng bảo hiểm do mình khai thác, đại lý cấp cao sẽ được DNBH trả những khoản thù lao khác căn cứ vào kết quả công việc quản lý đại lý trong nhóm của mình (dưới dạng trợ cấp quản lý (override), chi phí hỗ trợ đào tạo đại lý, chi tuyển dụng đại lý, tiền thưởng, chi hỗ trợ đại lý cho việc thực hiện các công việc được DNBH ủy quyền theo chính sách của DNBH tại từng thời điểm cụ thể).

Khi DNBH đã trả thù lao cho công việc quản lý, giám sát đội ngũ đại lý cấp dưới, DNBH cũng sẽ có những quy định ràng buộc  nghĩa vụ của đại lý cấp cao, trong đó có quy định về trách nhiệm liên đới của đại lý cấp cao đối với những vi phạm của các đại lý và đại lý cấp cao khác dưới quyền họ. Về biện pháp của DNBH, hợp đồng đại lý cấp cao 2 bên ký cũng nêu rõ DNBH có quyền giữ lại và sử dụng tiền đặt cọc, mọi khoản thu nhập, quyền lợi của đại lý cấp cao theo hợp đồng (ĐLBH cấp cao 2 bên đã ký) để thực hiện trách nhiệm liên đới của đại lý cấp cao.

Quyền lợi gắn kèm theo trách nhiệm, nghĩa vụ là một logic hợp lý và bình thường trong giao kết hợp đồng giữa 2 bên.

Tuy nhiên, thị trường ghi nhận đã phát sinh những khúc mắc, tranh chấp giữa đại lý cấp cao và DNBH liên quan đến việc thực hiện những trách nhiệm liên đới của đại lý cấp cao, đặc biệt khi đại lý cấp cao xin nghỉ việc tại DNBH.

Thời gian gần đây, phát sinh trường hợp khiếu nại của đại lý cấp cao của 1 DNBH lên cơ quan quản lý và Hiệp hội bảo hiểm về việc DNBH chấm dứt hợp đồng và đưa đại lý này vào danh sách đại lý vi phạm (black list) vì không hoàn trả hết công nợ thay cho các đại lý dưới quyền. Công nợ này là gì? Là hoa hồng các đại lý cấp dưới đã nhận từ DNBH, sau đó các hợp đồng này bị hủy trong thời gian cân nhắc (free look) 21 ngày.

Vụ việc đang trong quá trình giải quyết, trong bài viết này chúng tôi chỉ phân tích sự việc và nêu những suy nghĩ/kiến nghị giúp DNBH tránh được những vấn đề tương tự. 

Vấn đề thời điểm DNBH chi trả hoa hồng cho đại lý

Trong phụ lục hợp đồng đại lý quy định rõ đại lý được nhận hoa hồng chỉ khi đồng thời đáp ứng các điều kiện : DNBH đã phát hành hợp đồng bảo hiểm và hợp đồng bảo hiểm đó không bị hủy trong thời gian cân nhắc; DNBH đã thu được phí bảo hiểm. Có nghĩa là, DNBH chỉ thanh toán hoa hồng cho đại lý cho những hợp đồng đã phát hành sau 21 ngày thời hạn cân nhắc.

Trên thực tế, DNBH tính toán các khoản thu nhập hoa hồng của đại lý trong tháng trước và thanh toán cho đại lý trước một ngày xác định (thỏa thuận trong hợp đồng đại lý, ví dụ trước ngày 16 của tháng kế tiếp). Vì vậy, có những khoản hoa hồng được thanh toán trước cả thời hạn cân nhắc 21 ngày (ví dụ hợp đồng phát hành vào 2, 3 ngày cuối cùng của tháng thì đến ngày 15 của tháng sau vẫn chưa hết thời hạn 21 ngày, sau khi DNBH đã thanh toán hoa hồng cho đai lý thì khách hàng yêu cầu hủy hợp đồng bảo hiểm, DNBH phải hoàn trả phí BH khách hàng đã đóng). Biện pháp của DNBH là sẽ đối trừ các khoản thu nhập của đại lý trong những tháng tiếp theo đối với khoản hoa hồng DNBH đã thanh toán cho đại lý mà hợp đồng bị hủy trong thời gian cân nhắc.

Sẽ phát sinh tình huống là trong tháng/các tháng kế tiếp, đại lý không khai thác được hợp đồng bảo hiểm mới, không có thu nhập, DNBH không thể đối trừ được thu nhập mới của đại lý cho các khoản hoa hồng đã thanh toán sai. Hoặc vào tháng tiếp theo, đại lý xin chấm dứt hợp đồng đại lý.

DNBH khi không thu hồi được các khoản hoa hồng đã thanh toán cho đại lý đối với hợp đồng bị hủy trong thời gian cân nhắc này, có thể áp dụng các biện pháp như đối trừ tiền đặt cọc của đại lý, không chấm dứt hợp đồng đại lý, đưa đại lý vào danh sách đại lý vi phạm trên hệ thống quản lý đại lý AVICAD. Việc này sẽ không có nhiều ý nghĩa đối với những đại lý/nhóm đại lý cố tình chơi game: đại lý có thể nhận được vài trăm triệu đồng tiền hoa hồng sau đó không làm đại lý bảo hiểm nữa; DNBH không thu hồi được tiền thiệt hại (chỉ đối trừ được số tiền nhỏ vài triệu đồng tiền ký quỹ của đại lý) ; Việc đưa đại lý vào danh sách đại lý vi phạm không làm đại lý lo sợ (vì họ đã có chủ đích “chơi game” thì họ không quan tâm đến việc bị cấm hành nghề 3 năm tiếp theo, hoặc họ cũng vẫn có thể tiếp tục hành nghề theo một cách thức khác mà không bị sự kiểm soát của AVICAD). Việc DNBH kiện tụng đại lý nhằm thu hồi lại số hoa hồng đã thanh toán sai cũng là việc không đơn giản: mất thời gian, DNBH cũng không hoàn toàn thuận lợi trong lập luận vì việc chi trả trước hết chính là cái sai của DNBH (do thực hiện việc thanh toán hoa hồng khi đại lý chưa được hưởng theo thỏa thuận trong hợp đồng đại lý).

 Trách nhiệm liên đới của đại lý cấp trên?

Trong hợp đồng đại lý cấp cao có điều khoản nêu rõ đại lý cấp cao có trách nhiệm liên đới đối với những vi phạm của đại lý và đại lý cấp cao dưới quyền. Có nghĩa là trong trường hợp đại lý cấp dưới nhận hoa hồng không được hưởng (do hợp đồng đã bị hủy trong thời hạn cân nhắc) và không hoàn trả lại DNBH, đại lý cấp trên cũng có trách nhiệm liên đới : có trách nhiệm phối hợp với DNBH trong việc thu hồi hoa hồng; và điều khoản cũng ghi rõ DNBH có quyền giữ lại và sử dụng tiền đặt cọc, mọi khoản thu nhập, quyền lợi của đại lý cấp cao để thực hiện trách nhiệm liên đới của đại lý cấp cao.

Đặt trường hợp đại lý cấp dưới chủ ý “chơi game”  gian lận để chiếm đoạt vài trăm triệu đồng tiền hoa hồng từ các hợp đồng bảo hiểm hủy trong thời gian cân nhắc, khoản thu nhập và tiền đặt cọc của đại lý cấp trên là rất nhỏ nếu so với số tiền hoa hồng sai các đại lý cấp dưới đã được nhận, dẫn đến thiệt hại lớn cho DNBH. Việc truy thu tiền công nợ của đại lý từ nguồn thu nhập của đại lý cấp trên theo quy định về trách nhiệm liên đới luôn gây ra những khúc mắc, bức xúc cho đại lý cấp cao nghiêm túc. Còn việc đại lý cấp trên và cấp dưới và khách hàng cùng thông đồng mưu tính việc gian lận thông qua hủy hợp đồng trong thời gian cân nhắc thì việc tìm kiếm bằng chứng chứng minh sự câu kết này cũng không đơn giản. 

Vấn đề đưa đại lý cấp trên vào danh sách đại lý vi phạm của AVICAD vì không hoàn trả được nợ thay cho đại lý cấp dưới

Quy chế quản lý đại lý bảo hiểm AVICAD có quy định những trường hợp DNBH được phép đưa đại lý vào danh sách đại lý vi phạm (black list), trong đó có trường hợp đại lý “Không thực hiện hoàn trả đầy đủ, đúng hạn cho Thành viên các khoản nợ bằng tiền (hoặc được quy thành tiền), tài sản khác (phiếu thu, ipad, máy POS,…) liên quan đến hoặc phục vụ cho Hoạt động đại lý bảo hiểm mà Đại lý đã cam kết hoàn trả hoặc phải hoàn trả theo thông báo của Thành viên. Đại lý bị coi là vi phạm bất kể việc Thành viên có thu hồi được khoản nợ sau này hay không.” .

Cần hiểu cho đúng nội dung này đề cập đến khoản nợ của chính đại lý đối với DNBH, không phải là khoản nợ của đại lý khác mà đại lý cấp trên phải chịu trách nhiệm liên đới. Với trách nhiệm liên đới, DNBH có thể đối trừ hết các khoản thu nhập, tiền đặt cọc của đại lý cấp trên (như đã thỏa thuận trong hợp đồng đại lý cấp cao hoặc theo quy chế, quy định riêng của từng doanh nghiệp), nhưng không thể coi toàn bộ số tiền nợ còn lại của các đại lý cấp dưới là số tiền nợ của đại lý cấp trên. Vì vậy việc lấy lý do này để đưa đại lý cấp cao vào danh sách đại lý vi phạm là không có cơ sở vững chắc.

***

Với những phân tích trao đổi ở trên, chúng tôi có một số ý kiến như sau:

- Các DNBH cần rà soát lại các quy trình, đảm bảo quy định trả hoa hồng cho đại lý phù hợp, không để xảy ra tình trạng trả hoa hồng cho đại lý với những hợp đồng sau đó bị khách hàng hủy rồi tìm cách truy đòi (ví dụ có thể quy định ngày 15 tháng sau sẽ thanh toán hoa hồng cho các hợp đồng được phát hành và khách hàng đã thanh toán kỳ phí đầu trước ngày 24 của tháng trước, tức là đảm bảo đã qua thời hạn 21 ngày cân nhắc).

- “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”: Đừng đổ lỗi cho đại lý/đại lý cấp cao “chơi game”. Đại lý chỉ có thể chơi game khi mình không thực hiện đúng các quy định đã đề ra,  khiến đại lý có thể dễ dàng vận dụng để “chơi game”.

- Các doanh nghiệp có thể và cần phải xây dựng quy chế, quy định riêng để ràng buộc trách nhiệm của các đại lý cấp cao đối với chất lượng hoạt động của các đại lý cấp dưới (trong đó với trách nhiệm về tài chính cần quy định rõ các trường hợp cụ thể, ví dụ như  việc đại lý cấp dưới chiếm dụng …; còn việc DNBH trả hoa hồng sai cho đại lý thì không nên ràng buộc trách nhiệm tài chính trả nợ thay của đại lý cấp trên).

- Không nên coi AVICAD như là một công cụ răn đe và trừng phạt đại lý thay cho trách nhiệm quản lý của chính DNBH. AVICAD là hệ thống để phục vụ cho tất cả các DNBH nhân thọ thành viên của Hiệp hội Bảo hiểm, Hiệp hội Bảo hiểm cần xử lý các tình huống tranh chấp đảm bảo sự công bằng quyền lợi của DNBH thành viên và các đại lý bảo hiểm – có như vậy mới đảm bảo sự phát triển lành mạnh lâu dài của thị trường bảo hiểm./.

Ngô Trung Dũng - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam