Hỗ trợ - Hotline +(84)43 9428 106

Hội nghị Tổng Giám đốc các Doanh nghiệp Bảo hiểm năm 2019

Ngày 18/7/2019 tại thành phố Hạ Long, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng Giám đốc các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lần thứ 17 và nhân thọ lần thứ 26.

Hội nghị Tổng Giám đốc các Doanh nghiệp Bảo hiểm năm 2019

Hội nghị đã được đón tiếp Ông Phùng Ngọc Khánh– Cục trưởng và ông Ngô Việt Trung – Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính. Tại hội nghị, các đại biểu là lãnh đạo các doanh nghiệp bảo hiểm đã cùng nhau đánh giá kết quả những công việc đạt được trong 01 năm qua và xây dựng kế hoạch hoạt động; khuyến nghị trong ngành và kiến nghị với cơ quan quản lý để có thể tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy hoạt động kinh doanh của thị trường bảo hiểm Việt Nam. Một số nội dung chính đã được các Hội nghị nhất trí thông qua như sau:

1. Khuyến nghị đối với các doanh nghiệp bảo hiểm hội viên

a. Khối phi nhân thọ:

            - Các doanh nghiệp bảo hiểm cần nghiêm túc tuân thủ lịch tải dữ liệu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới lên hệ thống cơ sở dữ liệu bảo hiểm xe cơ giới của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam theo quyết định số 1986/QĐ-BTC của Bộ Tài chính quy định về phân quyền quản trị, khai thác, sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, để có thể tận dụng được phần mềm hiệu quả trong việc tra cứu thông tin xe khi cần thiết

            - Các doanh nghiệp bảo hiểm hội viên tiếp tục chủ động, nâng cao hơn nữa tinh thần hợp tác, chia sẻ thông tin danh sách khách hàng, đại lý bảo hiểm, các cơ sở y tế, đối tác v.v… có dấu hiệu gian lận bảo hiểm để thực hiện hiệu quả công tác phối hợp đấu tranh phòng chống gian lận bảo hiểm.

            - Các doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp thông tin các khách hàng có lịch sử tổn thất lớn đối với bảo hiểm xe cơ giới theo số vụ gồm các thông tin cơ bản như biển kiểm soát, hiệu lực bảo hiểm, số vụ tổn thất, tỷ lệ bồi thường (không cung cấp tên và các thông tin khác nhằm bảo mật thông tin cá nhân của khách hàng)

            - Cạnh tranh về bảo hiểm chăm sóc sức khỏe con người đang là vấn đề búc xúc, các doanh nghiệp bảo hiểm cần đề xuất các giải pháp chống cạnh tranh phi kỹ thuật để ổn định tình hình kinh doanh.

            - Các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục nghiên cứu và đề xuất nội dung thảo luận với tòa án tại Hội thảo chuyên đề về pháp luật kinh doanh bảo hiểm và giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ dự kiến tổ chức ngày 2/8/2019 tại Nha Trang.

            - Tình hình cạnh tranh trên thị trường bảo hiểm tài sản kỹ thuật vẫn diễn ra phức tạp, đề nghị các doanh nghiệp nâng cao tính tuân thủ các quy định pháp luật và khuyến cáo của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã đưa ra.

            - Các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục tích cực chia sẻ, hợp tác, hỗ trợ phản hồi thông tin giữa các doanh nghiệp bảo hiểm khi có yêu cầu để hỗ trợ giải quyết các phát sinh liên quan như xác minh thông tin khách hàng, xác minh xe tham gia bảo hiểm, xác minh đại lý vi phạm

b. Khối nhân thọ:

            - Thống nhất phối hợp (về vấn đề giới thiệu chuyên gia, tổ chức tư vấn, đóng góp kinh phí...) với Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam trong việc tìm kiếm công ty tư vấn về mô hình vốn trên cơ sở rủi ro.

            - Đóng góp nguồn lực cả về nhân lực và tài chính phối hợp với Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm trong quá trình triển khai nghiên cứu xây dựng luật bảo hiểm sửa đổi.

            - Có biện pháp nhắc nhở, chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, đại lý của doanh nghiệp, truyền đi thông điệp mạnh mẽ về sự ứng xử chuyên nghiệp, văn minh tới toàn thể đội ngũ cán bộ, đại lý của doanh nghiệp, thực hiện đúng Quy tắc ứng xử thống nhất của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ Hiệp hội đã ban hành.

            - Cần tăng cường các biện pháp nhắc nhở, giám sát quy trình nội bộ của doanh nghiệp, cam kết không chấp nhận những đại lý chưa cắt mã số tại doanh nghiệp bảo hiểm khác tham gia vào các khóa đào tạo cũng như các hoạt động, sự kiện dành cho đại lý tại doanh nghiệp bảo hiểm mình.

            - Các doanh nghiệp bảo hiểm chia sẻ thông tin về tỷ lệ duy trì hợp đồng sau năm thứ nhất.

2. Kiến nghị Cơ quan quản lý Nhà nước

a. Khối phi nhân thọ:

            - Đề nghị Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm tổng kết việc thực hiện Thông tư  329/2016/TT-BTC về bảo hiểm bắt buộc trong đầu tư xây dựng để có chính sách điều chỉnh cho phù hợp hơn.

            - Đề nghị Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm kiểm soát việc tuân thủ của các doanh nghiệp bảo hiểm liên quan đến quy định của Nhà nước về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong đầu tư xây dựng, bảo hiểm xe cơ giới …

            - Đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nghiên cứu, đề xuất phương án tăng cường liên kết, hợp tác  giữa bảo hiểm y tế nhà nước với bảo hiểm y tế thương mại trong bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân nhằm thực hiện Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 25/10/2017 và Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 31/12/2017

            - Kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét điều chỉnh các qui phạm của đăng kiểm tàu ven biển mang cấp SB cũng như các quy định liên quan đến tiêu chuẩn thuyền viên tàu SB, vì các qui phạm/quy định hiện tại chỉ phù hợp với các phương tiện thủy nội địa trong khi các tàu SB đều hoạt động ven biển như tàu biển hạn chế 3 (VRIII)

            - Đề nghị Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm chủ trì việc nghiên cứu các qui định để chống việc canh tranh không lành mạnh, phi kỹ thuật tập trung vào qui định mức phí khi chuyển doanh nghiệp bảo hiểm

            - Đề nghị Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm tiếp tục chỉ đạo hỗ trợ các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai thực hiện bảo hiểm nông nghiệp theo quyết định của Chính phủ: Nghị định 58/NĐ-CP ngày 18/4/2018 và Quyết định 22/QĐ-TTg ngày 26/6/2019.

            - Đề nghị Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm chủ trì cuộc họp với các doanh nghiệp bảo hiểm trong thời gian sớm nhất để việc cập nhật dữ liệu lên hệ thống đảm bảo chính xác, đầy đủ tuân thủ theo Nghị định số 103/2008/NĐ-CP của Chính phủ.

            - Đề nghị Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm tổ chức đánh giá kết quả triển khai thực hiện  công tác bảo hiểm tàu cá theo Nghị định số 67/NĐ-CP ngày 07/7/2014.

            - Đề nghị Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam phối hợp với Cục Cảnh sát Giao thông hỗ trợ doanh nghiệp bảo hiểm trong việc điều tra, xác minh những vụ tai nạn mà doanh nghiệp bảo hiểm nghi ngờ trục lợi bảo hiểm.

b. Khối nhân thọ:

            - Kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước xem xét việc tăng số lượng đợt thi cấp chứng chỉ đại lý online và mở rộng địa bàn thi online để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đại lý.

            - Đề nghị Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm khẳng định về định hướng áp dụng mô hình vốn trên cơ sở rủi ro theo mô hình RBC của Nhật Bản để nhóm tập trung nghiên cứu mô hình này. Bên cạnh đó, việc thống nhất định hướng cho nhóm IFRS cũng rất quan trọng vì 02 nhóm này có liên quan tới nhau.

            - Để thực hiện việc áp dụng mô hình RBC tại Việt Nam, đề nghị Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm có kế hoạch thuê một đơn vị tư vấn độc lập vì đây là một chương trình lớn, các cán bộ của từng doanh nghiệp cũng không thể có thời gian theo sát toàn bộ chương trình.

            Tại hội nghị CEO, Ông Phùng Ngọc Khánh – Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã có những ý kiến chỉ đạo và chỉ ra những thách thức mà các doanh nghiệp bảo hiểm cần phải nỗ lực tìm giải pháp vượt qua và cũng luôn thể hiện tinh thần lắng nghe, hợp tác và đồng hành cùng doanh nghiệp.

Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam tin tưởng những kiến nghị của các doanh nghiệp bảo hiểm nêu ra tại Hội nghị sẽ được Cơ quan quản lý nghiên cứu và xem xét giải quyết.

            Những khuyến nghị của Hội nghị CEO vừa qua cần được các doanh nghiệp bảo hiểm, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam chỉ đạo cán bộ, nhân viên và đại lý triển khai thực hiện nghiêm túc để đem lại những hiệu quả thiết thực đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của thị trường bảo hiểm Việt Nam./.