Hỗ trợ - Hotline +(84)43 9428 106

Nguyên tắc đóng góp bồi thường: Bảo hiểm trùng và bất cập trong pháp luật Việt Nam

Nguyên tắc Đóng Góp Bồi thường (Contribution) giữ vai trò là một trong những nguyên lý bảo hiểm quan trọng và cơ bản nhất, bên cạnh Trung thực tuyệt đối (utmost good faith), Quyền lợi có thể được bảo hiểm (insurable interest), Nguyên nhân gần (proximate cause), Bồi thường và Thế quyền (indemnity & subrogation), nhưng không hẳn ai cũng đã nắm rõ bản chất về nguyên tắc này.

Nguyên tắc đóng góp bồi thường: Bảo hiểm trùng và bất cập trong pháp luật Việt Nam

Còn được gọi dưới tên “bảo hiểm trùng” (double/dual insurance hoặc other insurance), nguyên tắc này nhấn mạnh quyền của một công ty bảo hiểm (CTBH) có thể thu hồi theo tỉ lệ đối với cơ sở số tiền bồi thường bảo hiểm đã trả hoặc phải trả cho Người được bảo hiểm (NĐBH) từ các công ty bảo hiểm khác mà cũng chịu trách nhiệm cho cùng một yêu cầu bồi thường cho tổn thất/trách nhiệm đó.

Nguyên tắc Đóng góp bồi thường (ĐGBT) chỉ áp dụng với Hợp đồng bảo hiểm (HĐBH) có tính bồi thường (contract of indemnity) nhằm ngăn NĐBH “trục lợi” từ tổn thất (unjust enrichment). Mặt khác, nó đảm bảo công bằng về phía CTBH, vì nếu NĐBH chỉ khiếu nại một CTBH thì sẽ bất công với CTBH đó khi mà các CTBH đã nhận được phí bảo hiểm cho rủi ro đó.

Để xác định việc áp dụng ĐGBT, pháp luật các nước nói chung yêu cầu các điều kiện sau:

1.     Có từ 2 HĐBH có tính bồi thường

Đi từ ví dụ: Alà chủ quán café CFH. Tháng 5/2019 này, A đã liên hệ mua bảo hiểm cháy nổ cho quán cafe của mình với CTBH X(hiệu lực từ tháng 1/6/2019), mà quên mất một điều: năm 2018, A cũng đã mua một HĐBH cháy nổ vẫn còn hiệu lực đến 10/7/2019 với CTBH Y. Như vậy, tồn tại 2 HĐBH cháy nổ cho cùng cửa hàng trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến giữ tháng 7. Giả sử ngày 15/6/2019, cửa hàng CFH bị cháy, thì lúc đó nguyên tắc ĐGBT sẽ phát sinh giữa 2 CTBH X và Y.

A sẽ chỉ được yêu cầu bồi thường từ một trong hai HĐBH và phải báo cho CTBH còn lại về sự tồn tại của HĐBH còn lại. Lúc đó sẽ là trách nhiệm của CTBH trong việc xem xét thỏa thuận về đóng góp; còn NĐBH không được khiếu nại cùng lúc. Mọi người sẽ thường thấy trên Giấy Yêu cầu bồi thường (GYCBT) có câu hỏi: “Anh/chị có mua bảo hiểm nào khác cho cùng sự cố này không? Nếu có, vui lòng cung cấp số HĐBH và tên CTBH”!

Nguyên tắc này không áp dụng cho bảo hiểm nhân thọ hoặc các HĐBH không mang tính bồi thường như Bảo hiểm tai nạn cho rủi ro chết và thương tật toàn bộ vĩnh viễn.

2.     Cùng Người được bảo hiểm

Đây là một điều kiện thường bị bỏ qua khi xem xét việc có áp dụng nguyên lý ĐGBT hay không. Đối với cùng một tài sản, thì quyền lợi sẽ khác nhau giữa bên mua và bên bán, bên cho thuê và bên thuê, hay bên thế chấp và bên nhận thế chấp.  Mỗi bên sẽ mua bảo hiểm lợi ích của riêng mình, nên sẽ không coi là bảo hiểm trùng. Tuy nhiên, nếu HĐBH đề cập đến việc bảo hiểm cho quyền lợi của cả bên kia, hoặc cả hai bên, thì sẽ kích hoạt ĐGBT. Trở lại ví dụ ở trên, giả sử A có một người anh trai B cùng góp vốn vào quán café (đồng sở hữu); B vốn dĩ là người lo xa nên tự mình mua thêm một HĐBH mọi rủi ro tài sản cho quán café và cũng đưa A vào làm NĐBH, thì khi phát sinh một sự kiện cháy, đối với A sẽ phát sinh bảo hiểm trùng.

3.     Cùng rủi ro

Việc đóng góp phải đảm bảo rằng có cùng một rủi ro bảo hiểm dẫn đến Sự kiện bảo hiểm, nhưng không buộc phải trùng tất cả rủi ro. Một HĐBH “Mọi rủi ro” sẽ tham gia đóng góp với HĐBH cháy nổ, do cùng bảo hiểm cho rủi ro do cháy, dù phạm vi bảo hiểm của cái trước rộng hơn.

Trường hợp này thường xuyên xảy ra. Ví dụ: A bị mất chiếc điện thoại Iphone XX khi để trên xe ô tô của mình. Tổn thất này có thể được bảo hiểm dưới đơn bảo hiểm xe có mở rộng rủi ro trộm cắp tài sản của chủ xe, nhưng cũng được cùng bảo hiểm dưới HĐBH Tư gia hoặc HĐBH Mọi rủi ro cá nhân. Và nếu A đang lái xe trong kỳ nghỉ của mình, thì có thể việc mất cắp này còn được bảo hiểm dưới HĐBH Du lịch mà A có thể đã mua.

4.     Cùng đối tượng bảo hiểm

Đây là một điểm mấu chốt xác định ĐGBT. Đối tượng bảo hiểm bị tổn thất phải giống nhau giữa các HĐBH sẽ tham gia đóng góp. Tuy nhiên, cũng giống như nguyên tắc số 3 ở trên, các HĐBH không nhất thiết phải giống nhau hoàn toàn về tất cả đối tượng bảo hiểm, mà miễn là đối tượng bị thiệt hại là giống nhau. VD: A có thể mua một HĐBH Tư gia để bảo vệ cho tất cả tài sản cá nhân của anh tại một căn biệt thự Vinhomes SkyGarden, nhưng có thể đồng thời mua bảo hiểm Mọi rủi ro cho riêng một số tài sản cụ thể trong đó như đồ trang sức, tác phẩm nghệ thuật, đồ cổ...

Cần lưu ý, đối tượng bảo hiểm sẽ tùy thuộc vào loại hình bảo hiểm, không chỉ có tài sản mà còn có thể là trách nhiệm pháp lý (legal liability) hoặc thiệt hại tài chính (financial loss).

5.     Phát sinh trách nhiệm bảo hiểm với tất cả HĐBH

Nguyên tắc ĐGBT chỉ không thể kích hoạt nếu có một CBTH từ chối yêu cầu bồi thường, ví dụ do NĐBH vi phạm điều khoản hợp đồng.

Ví dụ như: A mua HĐBH Tư gia với hai CTBH cùng lúc. Bỗng một ngày, hàng rào gỗ nhà của A bốc hỏa và thiêu rụi ½ mảnh vườn nhà hàng xóm. Sau vụ tổn thất, CTBH X đã thương lượng giải quyết đền 50 triệu cho hàng xóm; và sau đó quay ra đòi lại 50% đóng góp từ CTBH Y. Tuy nhiên, Y đã từ chối đóng góp với lý do A vi phạm quy định về thông báo tổn thất (thông báo trễ quá 60 ngày), nên theo quy định của HĐBH thì Y có quyền từ chối trách nhiệm.

Việc hiểu đúng cũng như giải thích cho NĐBH về nguyên tắc ĐGBT sẽ giúp NĐBH tuân thủ trách nhiệm về khai báo trung thực, kịp thời về tổn thất xảy ra và đảm bảo sự công bằng về trách nhiệm bồi thường giữa các CTBH.

Bên cạnh đó, hiểu đúng về ĐGBT/Bảo hiểm trùng cũng không dẫn đến câu chuyện “dở khóc dở cười” trên thị trường bảo hiểm trong quá trình giải quyết bồi thường, ví dụ: CTBH cấp HĐBH Hàng hóa (do Nhà vận chuyển D mua thay cho chủ hàng) sau khi thanh toán tiền bồi thường cho Chủ hàng, đã quay ra CTBH cấp HĐBH Trách nhiệm Nhà vận chuyện  cho cùng Nhà vận chuyển D để yêu cầu “đóng góp” cho khoản bồi thường đã trả, vì nhận định đằng đã phát sinh bảo hiểm trùng nên các CTBH cùng đóng góp theo tỉ lệ với tổn thất xảy ra. Nhưng rõ ràng, hai HĐBH có đối tượng bảo hiểm hoàn toàn khác nhau, một đối tượng là “tài sản” trong khi HĐBH kia có đối tượng là “trách nhiệm dân sự”.

Đối chiếu với pháp luật Việt Nam

Như đã đề cập ở trên, nguyên lý ĐGBT/ Bảo hiểm trùng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đặc biệt là về phía CTBH để đảm bảo quyền lợi cho mình. Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành chỉ có một quy định duy nhất tại Điều 44 về Hợp đồng bảo hiểm trùng như sau:

1. Hợp đồng bảo hiểm trùng là trường hợp bên mua bảo hiểm giao kết hợp đồng bảo hiểm với hai doanh nghiệp bảo hiểm trở lên để bảo hiểm cho cùng một đối tượng, với cùng điều kiện và sự kiện bảo hiểm.

2. Trong trường hợp các bên giao kết hợp đồng bảo hiểm trùng, khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, mỗi doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm bồi thường theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm đã thỏa thuận xét trên tổng số tiền bảo hiểm của tất cả các hợp đồng mà bên mua bảo hiểm đã giao kết. Tổng số tiền bồi thường của các doanh nghiệp bảo hiểm không vượt quá giá trị thiệt hại thực tế của tài sản.

Như vậy, điều kiện để “kích hoạt” bảo hiểm trùng theo quy định sẽ gồm tồn tại 2 HĐBH trở lên để bảo hiểm cho cùng (i) một đối tượng (ii) cùng điều kiện và (iii) cùng sự kiện bảo hiểm.  Tuy nhiên, các văn bản dưới luật hiện nay không đưa ra giải thích thêm về việc áp dụng quy định này như thế nào, dẫn đến những khó khăn và khúc mắc sau:

Thứ nhất: liệu các HĐBH này có phải giống nhau hoàn toàn về cả 3 tiêu chí nói trên mới áp dụng Bảo hiểm trùng, do đó, bảo hiểm trùng sẽ gần như không được áp dụng hoặc chỉ hạn chế với các sản phẩm bảo hiểm bắt buộc mà cùng điều kiện bảo hiểm, sự kiện bảo hiểm cố định do Bộ Tài chính ban hành.  Theo ý kiến của tác giả, quy định không hướng tới sự “giống nhau” mà là “sự trùng lặp” với 3 tiêu chí luật định giữa các HĐBH.

Thứ hai: cách hiểu thế nào là cùng điều kiện bảo hiểm, vì mỗi Quy tắc bảo hiểm của các CTBH sẽ xây dựng hoàn toàn khác nhau, từ câu chữ cho đến nội dung quy định, chưa kể đến việc áp dụng thêm các điều khoản sửa đổi, bổ sung theo từng HĐBH phù hợp với từng khách hàng.

Thứ ba: quy định này không chỉ ra rõ ràng, Bên mua bảo hiểm/Người được bảo hiểm có quyền yêu cầu bất kỳ một CTBH nào phải thanh toán trước số tiền thiệt hại chứ không phải đợi các CTBH phải thỏa thuận xong việc chia sẻ số tiền bồi thường rồi mới thanh toán cho BMBH/NĐBH. Việc này dẫn đến ảnh hưởng quyền lợi của BMBH/NĐBH vì quá trình này có thể kéo dài hàng tháng hoặc hàng năm trời mà BMBH/NĐBH vẫn chưa thể nhận được tiền bồi thường để khắc phục hậu quả từ tổn thất.

Thứ tư: quy định về Bảo hiểm trùng chỉ đang nằm trong phần quy định chi tiết của nhóm Bảo hiểm tài sản, trong khi đó, theo thông lệ quốc tế, nguyên tắc của ĐGBT/Bảo hiểm trùng này có thể áp dụng cho cả bảo hiểm trách nhiệm (liability).

Thứ năm, quy định không đề cập đến việc phải cùng là một NĐBH trong tất cả các HĐBH đó thì bảo hiểm trùng mới áp dụng cho NĐBH này.

Thứ sáu: việc quy định cơ chế xử lý khi phát sinh “bảo hiểm trùng” đang chưa phù hợp với thông lệ bảo hiểm quốc tế, khi chỉ áp dụng nguyên tắc bồi thường theo tỉ lệ (pro-rata) giữa số tiền bảo hiểm đã thỏa thuận xét trên tổng số tiền bảo hiểm của tất cả các hợp đồng mà bên mua bảo hiểm đã giao kết, mà bỏ qua 2 trường hợp khác về nguyên tắc đóng góp bồi thường thường sẽ không áp dụng,  thường được đề cập trong điều khoản “Bảo hiểm khác (Other insurance clause)”.

Bảo hiểm trùng nhưng không đóng góp bồi thường

Nhiều HĐBH tồn tại điều khoản Bảo hiểm trùng/Bảo hiểm khác mà theo đó nguyên tắc đóng góp bồi thường sẽ không áp dụng khi xuất hiện bảo hiểm trùng với 2 trường hợp như sau:

Trường hợp 1: điều khoản “Escape Clause” (từ bỏ trách nhiệm):

(Điều khoản tham khảo) This Policy shall not apply in respect of any claim where the insured is entitled to indemnity under any other insurance (Tạm dịch: Hợp đồng bảo hiểm này sẽ không áp dụng đối với bất kỳ yêu cầu bồi thường nào mà Người được bảo hiểm có quyền hưởng bồi thường từ bất kỳ một hợp đồng bảo hiểm nào khác).

Điều khoản này được thiết kế nhằm mục đích giúp CTBH sẽ không phải đóng góp bất kỳ khoản tiền bồi thường nào nếu hợp đồng bảo hiểm khác đã được kích hoạt.

Kiểu 2: điều khoản “Excess” đóng góp bồi thường cho phần vượt quá:

(Điều khoản tham khảo) "We will not pay any claim if any loss, damage or liability covered under this insurance is also covered wholly or in part under any other insurance except in respect of any excess beyond the amount which would have been covered under such other insurance had this insurance not been affected." (Tạm dịch: Công ty bảo hiểm sẽ không thanh toán cho bất kỳ yêu cầu bồi thường nào mà tổn thất, thiệt hại hoặc trách nhiệm được bảo hiểm dưới Hợp đồng bảo hiểm này cũng đồng thời được bảo hiểm, một phần hoặc toàn bộ dưới một hợp đồng bảo hiểm khác ngoại trừ đối với phần trách nhiệm bảo hiểm vượt quá lẽ ra phải được trả theo hợp đồng bảo hiểm khác đó nếu HĐBH này chưa được thực hiện).

Điều khoản này giúp CTBH có thể giới hạn được phần trách nhiệm bảo hiểm của mình khi phát sinh yêu cầu bồi thường kèm theo việc tồn tại HĐBH khác.

Quy chiếu trở lại pháp luật Việt Nam, với quy định tại Điều 44.2 hiện tại, thì tác giả cho rằng có 2 cách diễn giải về mục đích của nhà làm luật:

Cách hiểu 1: vô hiệu hóa các quy định về việc không đóp bồi thường (tức là các thỏa thuận điều khoản Escape hoặc Excess ở trên sẽ không có hiệu lực).  Trong mọi trường hợp xuất hiện Bảo hiểm trùng, các CTBH đều phải chia sẻ theo tỉ lệ (pro-rata). Một ưu điểm của quy định này là sẽ tránh được các tranh chấp trong trường hợp các HĐBH khác nhau chứa các điều khoản Bảo hiểm trùng/Bảo hiểm khác nhau (vd: HĐBH 1 quy định theo tỉ lệ, HĐBH 2 quy định theo Escape; hoặc cả 2 HĐBH cùng chứa điều khoản Escape/Excess...).

Cách hiểu 2: các nhà làm luật chưa chú trọng tới 2 trường hợp đặc thù này, chưa đưa vào văn bản pháp luật nhằm ghi nhận quyền thỏa thuận tự nguyện của các bên. Tuy nhiên, một khi đã đưa 2 trường hợp này vào, thì cần phải có hướng dẫn chi tiết về cách áp dụng nhằm giải quyết trong trường hợp các HĐBH chưa điều khoản bảo hiểm trùng khác nhau.

Kiến nghị

Từ các phân tích nêu trên về bảo hiểm trùng, nhằm đảm bảo cân bằng lợi ích giữa các CTBH với nhau và đảm bảo quyền lợi cho phía NĐBH khi rơi vào tình huống bảo hiểm trùng, tác giả có một số kiến nghị như sau:

Điều chỉnh tiêu chí nhằm xác định bảo hiểm trùng theo hướng bao gồm trùng lặp về (i) đối tượng bảo hiểm; (ii) quyền lợi có thể được bảo hiểm và người được bảo hiểm; (iii) sự kiện bảo hiểm; và các HĐBH đều phát sinh nghĩa vụ bồi thường của CTBH.

Bổ sung quy định về Bảo hiểm trùng với loại hình bảo hiểm trách nhiệm dân sự, hoặc đưa lên phần điều kiện chung.

Đối với việc đóng góp bồi thường từ các CTBH, trên cơ sở xem xét tính phù hợp của cách hiểu thứ nhất nêu trên cho Điều 44.2 Luật KDBH, cần bổ sung quy định khẳng định các thỏa thuận về đóng góp bồi thường khác (escape, excess) sẽ đương nhiên không có hiệu lực./.

Tạ Mạnh Thắng

Trưởng phòng Pháp chế & Tuân thủ - Công ty TNHH Bảo hiểm Bảo Việt Tokio Marine