Hỗ trợ - Hotline +(84)43 9428 106

Hoạt động phụ trợ bảo hiểm: Luật pháp còn “bỏ ngỏ”???

Các hoạt động phụ trợ cho ngành bảo hiểm đang có xu hướng phát triển mạnh và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh. Trong khi đó, khuôn khổ pháp lý đối với các loại hình dịch vụ này đến nay vẫn chưa có.

Hoạt động phụ trợ bảo hiểm: Luật pháp còn “bỏ ngỏ”???

Ngày 8/4/2019, tại TP. Hồ Chí Minh, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính và Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã phối hợp tổ chức hội thảo “Phát triển dịch vụ phụ trợ bảo hiểm tại Việt Nam và định hướng chính sách”, với mục đích: Thảo luận, lấy ý kiến đề xuất đối với định hướng chính sách phát triển dịch vụ phụ trợ bảo hiểm theo các cam kết mở cửa thị trường và phục vụ sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về các cam kết mở cửa của Việt Nam đối với dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; về các loại hình dịch vụ phụ trợ bảo hiểm gồm tư vấn bảo hiểm, đánh giá rủi ro bảo hiểm, tính toán bảo hiểm, giám định tổn thất bảo hiểm, hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm… cũng như thảo luận về định hướng chính sách, quản lý nhà nước đối với các loại hình dịch vụ phụ trợ bảo hiểm tại Việt Nam.

Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết, trong quá trình đàm phán và gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hoặc tham gia vào các hiệp định thương mại, Việt Nam đã cam kết nhiều nội dung đối với dịch vụ phụ trợ bảo hiểm như: cho phép cung cấp qua  biên giới, cho phép tiêu dùng tại nước ngoài, cho phép thành lập doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm và không cam kết về di chuyển thể nhân... Các cam kết này được thể hiện rõ nhất tại biểu cam kết cụ thể về dịch vụ của Việt Nam với WTO.

Ở góc độ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm, bà Nguyễn Hoàng Quyên - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Aon đưa ra 55 rủi ro lớn nhất đối với các công ty có phạm vi hoạt động toàn cầu mà các doanh nghiệp bảo hiểm đang phải đối diện và cho rằng, chỉ có 25% rủi ro được bảo hiểm, số còn lại có thể bảo hiểm được một phần hoặc không thể bảo hiểm. Đại diện một số công ty cung cấp dịch vụ bảo hiểm cũng kiến nghị cần bổ sung thêm quy định về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, bao gồm dịch vụ đánh giá rủi ro bảo hiểm cho môi giới bảo hiểm và cho doanh nghiệp bảo hiểm. Trong đó, môi giới bảo hiểm được thu thêm phí dịch vụ ngoài hoa hồng môi giới và không bị giới hạn tỷ lệ % trên tổng phí bảo hiểm... Cùng với đó, lĩnh vực và nội dung hoạt động của các doanh nghiệp môi giới bảo hiểm cần được mở rộng, không chỉ đơn thuần dừng lại ở việc tư vấn, đàm phán hợp đồng bảo hiểm…

Theo ông Phạm Tiến Đạt - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Việt Nam đã gia nhập WTO và tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, gần đây nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nên đã cam kết mở cửa thị trường đối với hoạt động phụ trợ bảo hiểm. Cuối năm 2018, Quốc hội cũng có Nghị quyết phê chuẩn CPTPP, đã ban hành danh mục các luật cần phải sửa đổi, bổ sung theo lộ trình cam kết trong CPTPP, trong đó có Luật Kinh doanh bảo hiểm (bổ sung quy định về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm).

 Giúp thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh

Thực tế tại Việt Nam cho thấy, thị trường bảo hiểm đã và đang sử dụng nhiều loại dịch vụ phụ trợ bảo hiểm như tư vấn bảo hiểm, đánh giá rủi ro bảo hiểm, tính toán bảo hiểm, giám định tổn thất bảo hiểm, hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm… Các loại hình dịch vụ này đang có xu hướng phát triển mạnh và có vai trò ngày càng quan trọng trong việc thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh, giúp các bên tham gia giảm thiểu rủi ro, hạn chế tổn thất, hạn chế gian lận, tăng cường tính chuyên nghiệp của thị trường; tối ưu hóa chi phí, nguồn lực cho doanh nghiệp bảo hiểm…

Ông Phạm Tiến Đạt cũng chia sẻ thông tin khảo sát về quản lý hoạt động phụ trợ bảo hiểm ở nhiều nước trên thế giới và tình hình hiện tại của Việt Nam. Theo đó, tại hầu hết các quốc gia, các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của nền kinh tế, giúp tăng năng lực cạnh tranh; tạo thêm nhiều cơ hội kinh doanh, khởi nghiệp; tăng cường áp dụng công nghệ, kết nối nội ngành và liên ngành; bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng. Thị trường bảo hiểm càng phát triển thì sự tác động của dịch vụ phụ trợ đến hoạt động bảo hiểm cốt lõi càng tăng, do xu thế chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa. Trong khi tại Việt Nam đến nay vẫn chưa có khung khổ pháp lý về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, dẫn đến khó khăn, lúng túng cả trong quá trình thực thi và áp dụng pháp luật, lẫn hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh bảo hiểm.

“Qua khảo sát kinh nghiệm và pháp luật một số nước, vùng lãnh thổ trên thế giới và trong khu vực cho thấy, hầu hết đều có quy định cụ thể, rõ ràng về hoạt động phụ trợ bảo hiểm. Các quy định này đã tạo hành lang pháp lý trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và sự phát triển của thị trường bảo hiểm; đồng thời tạo cơ sở để cơ quan quản lý bảo hiểm có đủ thẩm quyền, công cụ quản lý, giám sát hiệu quả hoạt động phụ trợ bảo hiểm” – ông Phạm Tiến Đạt nói./.

CTV