Hỗ trợ - Hotline +(84)43 9428 106

Góp ý dự thảo Thông tư quy định về cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm

 Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Thông tư quy định về cấp chứng chỉ đại lý. Dự kiến Thông tư sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2019. Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp bảo hiểm hội viên để đóng góp ý kiến cho dự thảo Thông tư:

Góp ý dự thảo Thông tư quy định về cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm

1. Đề nghị có điều khoản cho phép doanh nghiệp chưa dùng hết phôi cũ trong thời hạn không quá 3 tháng kể từ ngày Thông tư mới có hiệu lực để tránh lãng phí.

Mẫu chứng chỉ đại lý bảo hiểm nên quy định người ký là “Tổng giám đốc (giám đốc) hoặc người được ủy quyền” để Người được ủy quyền hợp pháp có thể ký. Trường hợp ủy quyền thì cơ sở đào tạo phải báo cáo Bộ Tài chính (Cục Quản lý giám sát bảo hiểm).

2. Quy định về thu hồi chứng chỉ đại lý bảo hiểm chưa thật cụ thể, đề xuất bổ sung điều kiện thu hồi chứng chỉ và/hoặc tuyên bố chứng chỉ đào tạo đại lý không còn hiệu lực (trong trường hợp đại lý không trả hoặc vì lý do nào đó không thu hồi được chứng chỉ), như trường hợp đại lý vi phạm pháp luật. Cụ thể đề xuất bổ sung:

Điều 5. Thu hồi chứng chỉ đại lý bảo hiểm

1. Chứng chỉ đại lý bảo hiểm không còn hiệu lực và bị thu hồi trong các trường hợp sau:

a) Cơ sở đào tạo cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm không đúng quy định tại Thông tư này.

b) Thí sinh đã được Cơ sở đào tạo cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm nhưng kết quả phúc tra bài thi của thí sinh không đủ điểm đỗ kỳ thi chứng chỉ đại lý bảo hiểm theo văn bản điều chỉnh kết quả thi của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm.

c) Đại lý vi phạm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm

2. Theo yêu cầu của Cục quản lý, giám sát bảo hiểm hoặc căn cứ vào quy định nêu trên, cơ sở đào tạo tuyên bố việc không còn hiệu lực của chứng chỉ đại lý và có trách nhiệm thu hồi chứng chỉ đại lý đã cấp thuộc các trường hợp tại Khoản 1 Điều này. Việc không còn hiệu lực của những chứng chỉ đó không phụ thuộc vào việc có thu hồi được hay không.”

 

3. Đề nghị quy định tăng lên là 03 ngày làm việc đối với kế hoạch bố sung để Cơ sở đào tạo có đủ thời gian tổ chức được việc tham gia thi của các ứng viên.

4. Đề xuất bổ sung thời gian có kết quả thi để tạo điều kiện cho thí sinh theo dõi kết quả.

5. Đề xuất thời gian gửi đơn phúc tra được tính từ thời điểm Đơn vị tổ chức thi, cấp chứng chỉ bảo hiểm nhận được quyết định phê duyệt kết quả thi của Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm do Thí sinh có thể nhận được muộn hơn thời gian Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm công nhận/phê duyệt kết quả thi.

6. Nên sửa đổi: “Không sử dụng tài liệu, thiết bị di động trong phòng thi.”

7. Đề nghị bỏ các quy định về xử phạt này vì Theo quy định tại Nghị định 98/2013/NĐ-CP  về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, việc đình chỉ hoạt động Cơ sở đào tạo chỉ áp dụng trong trường hợp Cơ sở đào tạo cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm không đúng quy định của pháp luật, do vậy việc đình chỉ việc cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm trong thời gian từ 1 đến 3 tháng đối với Cơ sở đào tạo vi phạm quy định trong dự thảo Thông tư là vượt quá quy định tại Nghị định 98.

8. Nên ghi rõ là Chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu để thống nhất mẫu chứng chỉ tại Phụ lục 1.

9. Một số kiến nghị khác:

- Địa điểm tổ chức thi: Đề xuất Cục Quản lý giám sát bảo hiểm quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi khi lựa chọn địa điểm tổ chức thi tập trung để khoảng cách di chuyển từ địa điểm học của doanh nghiệp bảo hiểm tới địa điểm thi không quá xa tạo điều kiện thuận lợi cho học viên di chuyển.

- Để đảm bảo các doanh nghiệp bảo hiểm có thể sử dụng các chứng chỉ đại lý bảo hiểm do các cơ sở đào tạo được Bộ Tài chính phê chuẩn thì cần có danh sách cơ sở đào tạo này để các doanh nghiệp bảo hiểm có thể đối chiếu.

Hoàng Duy