Hỗ trợ - Hotline +(84)43 9428 106

Bộ Tư pháp thẩm định Dự thảo Nghị định về thuế

Thực hiện quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ngày 13/9/2017, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn thẩm định dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật quản lý thuế và Nghị định số 12/2015/NĐ-CP quy định chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế.

Bộ Tư pháp thẩm định Dự thảo Nghị định về thuế

Cuộc họp có sự tham dự của nhiều Cục, Vụ đến từ Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao… và các chuyên gia đến từ một số Hiệp hội doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Chủ trì cuộc họp: Ông Lê Đại Hải – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế, Bộ Tư pháp.

Cuộc họp đã được nghe đại diện tổ soạn thảo đến từ Vụ Chính sách thuế Bộ Tài chính trình bày về sự cần thiết, báo cáo đánh giá tác động, quy trình thực hiện và dự thảo Nghị định thay thế để các đại biểu cho ý kiến. Hiện hồ sơ vẫn còn có ý kiến nhiều chiều.

Liên quan đến chủ trương sửa đổi, bổ sung Nghị định 12/2015/NĐ-CP, chủ trì cuộc họp cho rằng cần xem xét lại phần này chưa nhất thiết phải sửa, cần xem lại ý kiến chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ, chủ trương sửa đổi cần được Thủ tướng chỉ đạo để có căn cứ rõ ràng ràng, phù hợp quy định hơn hơn. Việc ban hành theo trình tự rút gọn cũng nên xem xét kỹ đảm bảo đúng quy định, tránh sai sót.

Liên quan đến nội dung phần sửa đổi Nghị định 12/2015/NĐ-CP, nhiều ý kiến cũng cho rằng việc không giới hạn trần chi phí chủ sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động như hiện nay là mang lại nhiều quyền lợi cho doanh nghiệp, người lao động và đem lại quyền lợi cho Nhà nước đảm bảo an sinh xã hội. Ngoài ra Luật thuế cũng không quy định giới hạn, nếu văn bản ở cấp Nghị định lại đưa vào giới hạn như dự thảo đang nêu là chưa hợp lý, không phù hợp với xu thế hội nhập của đất nước. Việc Kiểm toán Nhà nước nêu ra hiện tượng một số doanh nghiệp nhà nước chi mua bảo hiểm cho người lao động quá nhiều, các đại biểu cho rằng bản chất vấn đề không phải do quy định về thuế mà phải có biện pháp quản lý chặt các quy chế chi trả cho người lao động, trách nhiệm của người đứng đầu, nếu có thất thoát phải tiến hành truy thu, truy cứu trách nhiệm những cá nhân làm sai. Không nên vì một số sai sót ở doanh nghiệp nhà nước mà thay đổi hẳn một chủ trương hiện đang mang lại rất nhiều lợi ích.

Kết thúc cuộc họp, Bộ Tư pháp tiếp thu và tổng hợp tất cả các ý kiến mà các đại biểu nêu ra để cho ý kiến của Bộ Tư pháp vào hồ sơ thẩm định.

Hoàng Duy