HIỆP HỘI BẢO HIỂM VIỆT NAM

Ngôi Nhà Chung Của Các Doanh Nghiệp, Tổ Chức Bảo Hiểm Hoạt Động Tại Việt Nam

24/08/2018 10:13:50 SA
Tái bảo hiểm - cơ hội cho các công ty nhỏ?
Để tham gia vào quá trình tái bảo hiểm với các công ty châu Âu, các công ty trong nước cần phải sắp xếp lại hệ thống quản trị

Trong một số ngành dịch vụ tài chính, dịch vụ bảo hiểm Việt Nam cam kết cho phép nhượng tái bảo hiểm qua biên giới, cam kết dịch vụ bảo hiểm y tế tự nguyện theo luật trong nước. Riêng đối với yêu cầu cho phép thành lập chi nhánh công ty tái bảo hiểm, Việt Nam chỉ cho phép sau một giai đoạn quá độ.

Theo giới kinh doanh bảo hiểm, hoạt động tái bảo hiểm ở trong nước hiện mới có hai doanh nghiệp làm, đó là Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia và Công ty Tái bảo hiểm PVI (PVI Re). Thị trường tái bảo hiểm ở các nước có nền tài chính phát triển đã hoạt động rất sôi động, nhưng để ổn định tài chính vĩ mô nên hoạt động tái bảo hiểm vẫn được hội nhập từng bước.

Nghiệp vụ tái bảo hiểm là một công ty bảo hiểm khác mua lại một phần trong hợp đồng bảo hiểm mà công ty gốc đã ký kết với khách hàng mua bảo hiểm. Theo đó, hoạt động phái sinh này không ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng mua bảo hiểm trước đó. Trong trường hợp rủi ro xảy ra công ty tái bảo hiểm sẽ phải thực hiện nghĩa vụ chi trả một phần theo tỷ lệ mua lại hợp đồng bảo hiểm cho khách hàng cùng với công ty gốc đã ký hợp đồng với khách hàng. Hoạt động tái bảo hiểm này nhằm chia sẻ phí bảo hiểm giữa các công ty bảo hiểm với nhau, trên cơ sở đó các công ty có nguồn tài chính sử dụng hiệu quả và rủi ro cũng san sẻ cho nhau.

Theo thông lệ quốc tế tỷ lệ mua lại một phần trong hợp đồng bảo hiểm của một công ty bảo hiểm gốc đã phát hành trước đó phải được thực hiện trên cơ sở chuẩn hóa định giá hợp đồng bảo hiểm theo các tổ chức định giá tín nhiệm quốc tế như Mood’s, Standard & Poor’s…

Tại Nghị định 73/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi có quy định cho hoạt động tái bảo hiểm. Cụ thể, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài có thể chuyển nhượng một phần nhưng không toàn bộ trách nhiệm đã nhận bảo hiểm trong một hợp đồng bảo hiểm cho một hoặc nhiều doanh nghiệp bảo hiểm trong và ngoài nước, chi nhánh nước ngoài khác. Mức trách nhiệm giữ lại tối đa trên mỗi rủi ro hoặc tổn thất riêng lẻ không quá 10% vốn chủ sở hữu.

Trường hợp doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm theo chỉ định của người được bảo hiểm, tỷ lệ tái bảo hiểm tối đa 90% mức trách nhiệm bảo hiểm. Khi nhận tái bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài phải đánh giá rủi ro để bảo đảm phù hợp với khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài và không được nhận tái bảo hiểm đối với chính những rủi ro đã nhượng tái bảo hiểm.

Theo một số chuyên gia, hoạt động tái bảo hiểm phát triển sẽ mở ra cơ hội cho các công ty nhỏ ở Việt Nam có thể tham gia vào quá trình tái bảo hiểm với các công ty đến từ châu Âu có nhiều năm kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Đặc biệt, hiệp định thương mại tự do EVFTA sẽ mở ra một dòng đầu tư lớn có chất lượng từ các quốc gia phát triển sẽ có nhiều công ty bảo hiểm sẽ phải chia sẻ với các công ty Việt Nam nơi khách hàng của họ đến Việt Nam đầu tư sản xuất kinh doanh hàng hóa dịch vụ.

Đây là một cơ hội lớn cho các công ty bảo hiểm nhỏ của Việt Nam tham gia huy động vốn trên thị trường bảo hiểm và đầu tư. Trong khi Việt Nam một quốc gia nông nghiệp nhu cầu chia sẻ rủi ro trong hoạt động bảo hiểm các sản phẩm nông nghiệp hiện nay còn ít cũng là cơ hội cho các nhà tái bảo hiểm bước vào khai thác thị trường.

Tuy nhiên để tham gia vào quá trình tái bảo hiểm với các công ty bảo hiểm đến từ châu Âu, các công ty trong nước cũng cần phải sắp xếp lại hệ thống quản trị. Trong đó đặc biệt là quá trình trích lập dự phòng từng phần của các công ty bảo hiểm trong nước vốn còn nhiều điểm chưa minh bạch dẫn đến tín nhiệm chưa được các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá cao. Bởi hoạt động trích lập dự phòng rủi ro trong kinh doanh của các công ty bảo hiểm còn liên quan đến nghĩa vụ thuế với ngân sách của một quốc gia.

Một chuyên viên kiểm toán cho biết, các khoản trích lập dự phòng của các công ty bảo hiểm đang hoạt động trên thị trường Việt Nam hiện nay đang bị đánh giá là yếu nhất. Phải cải thiện ngay điểm này mới có thể trở thành đối tác tái bảo hiểm với các công ty đến từ châu Âu trong thời gian tới khi mà các khách hàng của họ vào Việt Nam đầu tư trong mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ.