HIỆP HỘI BẢO HIỂM VIỆT NAM

Ngôi Nhà Chung Của Các Doanh Nghiệp, Tổ Chức Bảo Hiểm Hoạt Động Tại Việt Nam

24/08/2018 10:13:50 SA
Hội thảo “Đối thoại về cơ chế, chính sách khi triển khai thực hiện bảo hiểm nông nghiệp”
Ngày 29/5/2019, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN và PTNT) đã tổ chức Hội thảo “Đối thoại về cơ chế, chính sách khi triển khai thực hiện bảo hiểm nông nghiệp”.

Tham dự buổi họp có 72 đại biểu đại diện các đơn vị: Bộ NN và PTNT (Lãnh đạo các Vụ, Phòng thuộc các Tổng cục Thủy sản, Phòng chống thiên tai; các Cục: Kinh tế hợp tác và PTNT, Chăn nuôi, Thú y, Bảo vệ thực vật); Bộ Tài chính (Đại diện Phòng Bảo hiểm phi nhân thọ, Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm); Cơ quan nghiên cứu, tổ chức quốc tế (Đại diện các tổ chức GIZ, CIAT, IRRI, SDC, Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp); Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội và 4 doanh nghiệp bảo hiểm (Bảo Việt, Bảo Minh, ABIC, Vinare); Đại diện Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Phát triển nông thôn của 17 tỉnh trên cả nước.

Hội thảo đã được nghe 10 báo cáo tham luận về các nhóm vấn đề:

Các báo cáo tham luận của các đơn vị thuộc  Bộ NN và PTNN: Báo cáo rà soát các chính sách và đề xuất việc xây dựng hướng dẫn thực hiện bảo hiểm nông nghiệp thuộc trách nhiệm của Bộ NN và PTNT (được quy định tại Nghị định số 58/2018/NĐ-CP). Các báo cáo cho thấy việc xác nhận thiên tai, dịch bệnh đã có quy định tại các Luật chuyên ngành và các Nghị định, Thông tư,… nhưng để áp dụng cho bảo hiểm nông nghiệp thì chưa cụ thể và đồng bộ. Đặc biệt là việc công bố thiên tai chưa được quy định.

Các bài tham luận của 4 doanh nghiệp bảo hiểm (Vinare, Bảo Việt, Bảo Minh, ABIC): chia sẻ về định hướng trong việc xây dựng các gói bảo hiểm nông nghiệp (tập trung cho cây lúa, bò sữa, trâu, bò thịt, cao su, cà phê…). Riêng với bảo hiểm thủy sản do mức độ rủi ro cao (dịch bệnh nhiều và việc tuân thủ các quy trình nuôi của các hộ, cơ sở nuôi còn hạn chế) nên không sẵn sàng triển khai. Yêu cầu về cơ quan xác nhận thiệt hại khi xẩy ra rủi ro hiện nay còn chưa thống nhất giữa các doanh nghiệp. Các DNBH đề xuất thành lập Tổ Tư vấn hoặc Tổ Công tác liên ngành (đại diện Bộ NN và PTNT, Bộ Tài chính, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, doanh nghiệp bảo hiểm, chuyên gia) để có sự thống nhất giữa các bộ, ngành, trách chồng chéo. Doanh nghiệp đề nghị có sự hỗ trợ, phối hợp từ các cấp chính quyền trong việc xây dựng các sản phẩm bảo hiểm phù hợp, giúp cung cấp thông tin, tiếp cận với người dân, tổ chức sản xuất nông nghiệp để triển khai các gói bảo hiểm nông nghiệp vì vấn đề này còn mới mẻ đối với người sản xuất; Việc xây dựng các hướng dẫn về việc công bố, xác nhận thiên tai, dịch bệnh, các quy chuẩn, quy trình sản xuất từ phía cơ quan quản lý nhà nước là rất cần thiết để các doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm bảo hiểm, tránh tranh chấp khi triển khai, tránh trục lợi bảo hiểm và quản lý sản xuất được tốt hơn; Ngoài ra các doanh nghiệp bảo hiểm đề nghị các Bộ kiến nghị để Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Quyết định về chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.

Ngoài ra Hội thảo cũng được nghe các ý kiến của Lãnh đạo Sở NN và PTNT, các Chi cục Phát triển nông thôn các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bình Định, Đồng Nai, An Giang … về đề nghị có chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp đối với nuôi trồng thủy sản, về xây dựng các quy trình công bố, xác nhận rủi ro dịch bệnh, thiên tai, quy trình kỹ thuật trong sản xuất. Ngoài ra các đại biểu cũng cho rằng bảo hiểm nông nghiệp là chính sách đặc thù, mới đối với nhiều địa phương và người dân nên đề nghị tăng cường công tác tuyên truyền để các cấp chính quyền, người sản xuất hiểu rõ hơn về bảo hiểm nông nghiệp.

Kết thúc Hội thảo Ông An Văn Khanh – Phó Cục Trưởng, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT – Bộ NN và PTNT thay mặt Ban tổ chức tiếp thu các nội dung, ý kiến góp ý để tham mưu cho Bộ NN và PTNT trong triển khai Nghị định số 58/2018/NĐ-CP theo chức năng nhiệm vụ được giao và cũng cho rằng bảo hiểm nông nghiệp là chính sách an sinh quan trọng đối với người sản xuất, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng cần thiết kế các gói sản phẩm phù hợp, khả thi, khuyến khích được nhiều người tham gia, nhất là người nghèo để giảm bớt rủi ro khi sản xuất. Trong quá trình triển khai sẽ khảo sát, lấy ý kiến khi xây dựng Thông tư hoặc văn bản hướng dẫn theo nhiệm vụ của Bộ NN và PTNT được giao để đảm bảo tính khả thi, phù hợp, sát thực tế và hài hòa giữa các bên để thời gian tới, đẩy mạnh phát triển bảo hiểm nông nghiệp, đóng góp cho mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông nghiệp bền vững.

Trịnh Tuyết Nga