HIỆP HỘI BẢO HIỂM VIỆT NAM

Ngôi Nhà Chung Của Các Doanh Nghiệp, Tổ Chức Bảo Hiểm Hoạt Động Tại Việt Nam

24/08/2018 10:13:50 SA
“Cơn bão” Insurtech và những tác động đến ngành bảo hiểm Việt Nam
Insurtech - Công nghệ bảo hiểm là từ ghép giữa Insurance (bảo hiểm) và Technology (công nghệ), Insurtech là một ngành công nghiệp, bao gồm các công ty sử dụng công nghệ để cung cấp các dịch vụ bảo hiểm rẻ hơn, nhanh hơn, đơn giản hơn và hiệu quả hơn nhờ tác động thần kỳ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 . Với độ “chín” hiện có của ngành bảo hiểm, các công ty khởi nghiệp (startup) đang bắt đầu chen chân vào lãnh địa của các “ông lớn” bảo hiểm, những người đang tự thay đổi mô hình dịch vụ của mình.

            Từng bước đi nhỏ…

            Bảo hiểm trực tuyến được coi là dấu hiệu đầu tiên của “cơn bão” Insurtech, mặc dù doanh thu từ kênh bán hàng này khi mới manh nha tại thị trường Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong cơ cấu tổng doanh thu.

            Kênh bán hàng trực tuyến được hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) triển khai bắt đầu từ năm 2016, trong đó nổi bật nhất có thể kể đến một số doanh nghiệp như: Bảo hiểm Bưu điện (PTI), Bảo hiểm Petrolimex (Pjico), Bảo hiểm Liberty… Để thu hút khách hàng đến với mô hình bán hàng mới, các công ty bảo hiểm này liên tục tung ra những chương trình khuyến mại hấp dẫn. Theo lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm, các chương trình khuyến mại áp dụng cho kênh trực tuyến chỉ đem lại lợi ích cho khách hàng, còn đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, đa phần họ đang chịu lỗ. Tuy nhiên, tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm đều hiểu rằng, đầu tư công nghệ cho bảo hiểm là một bài toán đầu tư dài hạn và các doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận thua thiệt trong ngắn hạn để tạo ra những lợi ích ổn định trong dài hạn.

            Tiếp sau đó, một số doanh nghiệp đã bắt đầu quan tâm hơn tới việc đầu tư vào công nghệ nhằm tạo sự khác biệt trong trải nghiệm cho khách hàng. Tại thời điểm năm 2016, Bảo hiểm Vietinbank (VBI) là công ty bảo hiểm tiếp theo sau Liberty và BIC phát hành giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử. Mặc dù loại giấy chứng nhận này mới chỉ được triển khai cho một số sản phẩm, nhưng cho thấy sự quan tâm của các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc đem lại tiện ích cho khách hàng.

 

            Đến những “nhảy vọt” bứt phá

            Chỉ trong 3 năm, từ 2016 đến hết năm 2018, công nghệ bảo hiểm tại Việt Nam đã có những bước nhảy vọt chưa từng có. Chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng Internet đã trở thành “chìa khóa vạn năng” giúp người tiêu dùng chủ động tiếp cận hầu hết các sản phẩm bảo hiểm và tiện ích đi kèm mà mình mong muốn.

            Ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết: Từ vài năm nay, đặc biệt là từ năm 2017 đến năm 2018, các công ty bảo hiểm ứng dụng Insurtech đã có những cuộc thay đổi trong hoạt động, sản phẩm, dịch vụ mang tính cách mạng. Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm mạnh mẽ ứng dụng công nghệ vào trong các giai đoạn của chuỗi giá trị bảo hiểm, từ khâu nghiên cứu thị trường, marketing, thiết kế sản phẩm, đánh giá rủi ro, bán sản phẩm, sau bán hàng cho đến giải quyết chi trả quyền lợi cho khách hàng, đã nâng cao chất lượng quản trị, hiệu quả hoạt động chạy nhanh hơn nhờ sự hỗ trợ của công nghệ.

            Trực tuyến không chỉ là 1 trong số các phương thức giao dịch giữa công ty bảo hiểm và khách hàng, mà hiện tại đang tịnh tiến trở thành phương thức giao dịch chính, xuyên suốt quá trình từ khai thác khách hàng đến cấp đơn, bồi thường, …

            Theo bà Vương Mỹ Phụng, Phó Tổng giám đốc phụ trách bộ phận chiến lược tiếp thị và truyền thông Công ty Bảo hiểm Nhân thọ FWD: FWD là một công ty thực hiện 100% phương thức thanh toán hoàn toàn bằng điện tử, không nhận bằng tiền mặt, là công ty 100% không sử dụng giấy, ngay từ thời khắc đầu tiên các nhân viên tư vấn tài chính đến gặp khách hàng, giới thiệu với khách hàng dựa trên ipad và việc giúp khách hàng đăng ký hợp đồng bảo hiểm của mình, đơn đăng ký bảo hiểm của mình cũng hoàn toàn là trên ipad. Đối với FWD, công nghệ trong bảo hiểm sẽ được dùng xuyên suốt trong một mô hình kinh doanh chứ không chỉ bắt đầu từ một phòng ban, từ giai đoạn bán sản phẩm bảo hiểm đến phát hành hợp đồng bảo hiểm cho đến việc cam kết bồi thường hợp đồng bảo hiểm như thế nào cũng như là đưa đến trải nghiệm cho khách hàng.

            Hay mới đây nhất, “cái bắt tay” giữa Công ty cổ phần INSO Việt Nam – một start-up trong lĩnh vực công nghệ (thuộc NextTech Group) với Tổng Công ty Bảo hiểm Bưu Điện (PTI) nhằm ra mắt ứng dụng công nghệ bảo hiểm INSO cho phép người dùng có thể tự mua các gói bảo hiểm và yêu cầu bồi thường mọi lúc, mọi nơi mà không cần các loại giấy tờ, thủ tục cho thấy bước nhảy vọt trong việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

            Cụ thể, thông qua ứng dụng công nghệ này, người dùng có thể tự chọn gói đơn bảo hiểm theo yêu cầu của mình, tự giám định tài sản, vật chất tham gia bảo hiểm bằng tính năng chụp hình trên ứng dụng. Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử sẽ ngay lập tức được chuyển đến email cho khách hàng. Khi bồi thường, mọi quy trình đều được thực hiện tự động hóa theo công thức có sẵn vầ khép kín, nhờ đó giảm thiểu được thủ tục cho khách hàng và thời gian duyệt yêu cầu rút ngắn xuống còn 15 phút, và hạn chế khả năng xảy ra khiếu kiện, khiếu nại.

            Khách hàng cũng có thể theo dõi được lịch sử bảo hiểm để đưa ra những điều chỉnh tích cực cho việc bảo vệ tài sản và sức khỏe của mình cũng như hưởng lợi từ việc được giảm chi phí bảo hiểm cho những năm tiếp theo.

            INSO sử dụng các công nghệ tiên tiến để đẩy nhanh tốc độ xử lý các hồ sơ bảo hiểm, như: công nghệ OCR (công nghệ nhận dạng ký tự quang học) giúp nhận dạng ký tực trên mọi loại giấy tờ cùng computer vision (công nghệ thị giác máy tính) và deep learning (công nghệ học sâu) phân tích hình ảnh và đưa ra kết luận duyệt giám định chính xác từ lượng data được ích lũy trong suốt cung cấp dịch.

            Ngoài các sản phẩm truyền thóng được tự động hóa quy trình mua, bồi thường như bảo hiểm ô tô cá nhân, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhà, tài sản… INSO cũng cung cấp các sản phẩm bảo hiểm hoàn toàn mới, thiết thực như bảo hiểm trễ chuyến bay, bảo hiểm phí ship hàng…

            Bà Nguyễn Thùy Vân, Giám đốc INSO cho biết, hiện tại, khái niệm InsurTech (công nghệ bảo hiểm) vẫn đang khá mới mẻ tại Việt Nam nhưng có thể sẽ sớm trở thành một xu thế làm thay đổi toàn bộ cục diện ngành bảo hiểm trong thời gian tới. Bởi, giá trị thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tại khu vực ASEAN trong năm 2017 là 23 tỷ USD, năm 2018 là 28 tỷ USD, trong đó Việt Nam chiếm 5% với gần 1,4 tỷ USD. Tăng trưởng phi nhân thọ từ 2012-2017 của Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN sau Philippines và Thái Lan, và vẫn còn tiếp tục tăng trưởng mạnh trong những năm tới.

            Trong khi đó, theo quy trình khai thác của bảo hiểm truyền thống, các doanh nghiệp thường phải đầu tư lớn và mạng lưới người bán hàng, đến giới thiệu, thuyết phục khách hàng, sau đó cấp đơn bảo hiểm. Khi không may xảy ra bồi thường, mọi khiếu nại được con người xử lý, mất nhiều thời gian cho việc nộp và giải quyết bồi thường, và luôn xảy ra mâu thuẫn về quyền lợi với khách hàng.

            Chính vì vậy InsurTech ra đời sẽ giải quyết các vấn đề này thông qua việc áp dụng công nghệ nhằm cắt giảm các quy trình, thủ tục không hiệu quả, đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc vào mô hình phân phối truyền thống.

 

            Sức mạnh thần kỳ của Công nghệ 4.0

            Có thể nói insurtech là đứa con đẻ mà cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đem đến cho ngành bảo hiểm. Dữ liệu lớn (Big Data), Trí tuệ nhân tạo (AI) và Mạng lưới vạn vật kết nối (IoT) là trọng tâm hiện nay của công nghệ bảo hiểm. Điều đó được minh chứng tại Hội nghị Định phí Việt Nam 2018 với việc phủ kín khan phòng 200 chỗ ngồi. Điều này trái ngược hoàn toàn với con số 15 người tham dự trong hội nghị lần đầu tiên cách đây hơn chục năm.

            Tại hội nghị gần 20 công ty bảo hiểm tại Việt Nam đã cùng thảo luận sôi nổi về một xu hướng đang nổi lên trong ngành: cách dữ liệu lớn (big data) đang thay đổi ngành bảo hiểm hiện nay.

            Ông Clive Baker - Tổng Giám đốc Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Prudential cho rằng: Bigdata (dư liệu lớn) đang mở ra những cơ hội cho những công ty dẫn đầu sự thay đổi như Prudential nhằm nắm bắt nhu cầu tiêu dùng mới của khách hàng.

            Tại Prudential Việt Nam, ban lãnh đạo vạch ra rất cụ thể các khâu mà họ có thể áp dụng 4.0 dọc theo chu trình trải nghiệm bảo hiểm của khách hàng, thường bắt đầu từ giai đoạn tìm hiểu - thu hút - tiếp xúc - mua hàng (giao kết Hợp đồng bảo hiểm) - trải nghiệm dịch vụ và giải quyết các quyền lợi hoặc đáo hạn hợp đồng.

            Cụ thể, sau khi tìm kiếm thông tin về công ty trên trang web chính thức của Prudential hoặc trên các công cụ tìm kiếm, người dùng sẽ được dẫn vào Life Companion - blog chính thức của Prudential Việt Nam - nơi họ được cập nhật các kiến thức bảo hiểm và kinh nghiệm đời sống hữu ích.

            Tiếp đến, chatbot tư vấn bảo hiểm PRUbot và công cụ Matchbook giúp khách hàng chủ động hơn trong đặt lịch hẹn với chuyên viên tư vấn tài chính. Trong giai đoạn tiếp xúc và mua hàng, khách hàng thao tác đơn giản bốn bước và thanh toán bằng các hình thức thanh toán trực tuyến trên trang thương mại điện tử ePrudential nhờ sự hậu thuẫn của công nghệ 4.0, ông Clive Baker chia sẻ.

            Theo ông Vũ Công Thắng, Giám đốc Cấp cao Phụ trách Chiến lược Kinh doanh Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Manulife Việt Nam (Manulife Việt Nam), ứng dụng 4.0 trong InsurTech đã giúp ích rất nhiều đối với Manulife trong dịch vụ khách hàng và hỗ trợ đại lý cũng như nghề bảo hiểm Nhân thọ. Ông Thắng cho biết, Manulife Việt Nam đang ngày càng có những bước tiến mới trong việc áp dụng công nghệ, điển hình như ePos là giải pháp giúp cho các đại lý bảo hiểm, hay ứng dụng dành cho khách hàng Ginie.

Bảo hiểm Bảo Việt – tên tuổi hàng đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, đã tiên phong ứng dụng công nghệ và các giải pháp công nghệ mới 4.0 không chỉ trong khâu bán hàng, quản lý nghiệp vụ, quản lý bồi thường, kiểm soát dữ liệu khách hàng mà còn trong việc tương tác với khách hàng để mang lại cho khách hàng sự thuận tiện cao nhất. Theo đó, doanh nghiệp này không chỉ cho ra mắt website bán hàng trực tuyến mà còn đẩy mạnh việc tương tác cùng khách hàng thông qua hợp tác với các đối tác ngân hàng, ô tô, công nghệ...

            Một trong những thành tựu công nghệ được Bảo hiểm Bảo Việt ứng dụng trong hoạt động kinh doanh là công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo). Theo đó, các quy trình và giao dịch được chuyển đổi qua công nghệ số, giúp việc tra cứu và truy cập thông tin nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm thời gian hơn cho khách hàng; thông tin dữ liệu được quản lý có hệ thống, tăng tính bảo mật...

            Bảo hiểm Bảo Việt cũng là đơn vị đầu tiên triển khai ứng dụng tích hợp quản lý giải pháp bảo hiểm với tên gọi Baoviet Direct. Chỉ cần tải về điện thoại và đăng nhập vào ứng dụng Baoviet Direct, khách hàng sẽ có thể dễ dàng đặt mua bảo hiểm, quản lý quyền lợi hợp đồng bảo hiểm, khai báo và theo dõi yêu cầu bồi thường…, tất cả được thực hiện chỉ bằng vài cú chạm với thông tin đầy đủ, chính xác, hoạt động mọi lúc, mọi nơi…

            Cùng với đó, Bảo hiểm Bảo Việt cũng đẩy mạnh phát triển kênh bán hàng trực tuyến; hợp tác mạnh mẽ cùng các đối tác công nghệ thông tin, trong đó có Ví MoMo, giúp khách hàng chủ động lựa chọn và trực tiếp mua sản phẩm BH chỉ bằng một chạm trên di động. Đặc biệt, Bảo hiểm Bảo Việt cũng tiên phong đưa ứng dụng Facebook Workplace vào sử dụng trong môi trường lao động, đánh dấu một cuộc cách mạng về ứng dụng công nghệ tiên tiến trong việc kết nối, trao đổi và xử lý công việc hàng ngày.

            Có thể thấy những tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đối với ngành bảo hiểm ngày một rõ ràng, đậm nét, khiến cho ngành bảo hiểm bấy lâu nay vẫn quen với cách làm truyền thống cũng phải chuyển mình nhanh chóng bắt kịp xu hướng thời đại. Tuy nhiên, đúng như nhận định của ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục quản lý Giám sát Bảo hiểm, Bộ Tài chính tại Hội nghị Định phí Việt Nam 2018, "Chúng ta đang ở thời điểm có tính chất bước ngoặt,", do vậy còn nhiều khó khăn, thách thức đang chờ đón.

            Theo nhận định của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực Tài chính – Bảo hiểm, thiết kế các sản phẩm trực tuyến thực sự hấp dẫn người tiêu dùng, đặc biệt là thế hệ trẻ không phải là điều dễ dàng, vì bảo hiểm là một sản phẩm dịch vụ đặc biệt với nhiều quy định, ràng buộc chi tiết trong hợp đồng và thực sự là khái niệm không mấy hấp dẫn từ trước đến nay đối với người tiêu dùng.

            Mặc dù các nhà khởi nghiệp trẻ đã bắt đầu quan tâm đến lĩnh vực bảo hiểm, tuy nhiên các quy định vẫn là rào cản đối với các công ty khởi nghiệp toan tính đột phá ngành bảo hiểm. Văn hóa kinh doanh bảo hiểm nổi tiếng là né tránh rủi ro, trái ngược với các phương thức linh hoạt và đột phá của các công ty khởi nghiệp. Mặt khác, việc thu thập dữ liệu để xác minh hợp đồng bảo hiểm cần hết sức thận trọng nhằm đảm bảo tính minh bạch, chính xác nhưng không làm ảnh hưởng tới quyền riêng tư của khách hàng.

Vũ Chi