HIỆP HỘI BẢO HIỂM VIỆT NAM

Ngôi Nhà Chung Của Các Doanh Nghiệp, Tổ Chức Bảo Hiểm Hoạt Động Tại Việt Nam

24/08/2018 10:13:50 SA
Ngành Bảo hiểm tiếp tục là tấm lá chắn vững chắc của nền Kinh tế - Xã hội
Năm 2018, thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn giữ được đà tăng trưởng ổn định, tiếp tục là kênh thu hút vốn trung và dài hạn của nền kinh tế với số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 319.610 tỷ đồng (tăng 29,53% so với cùng kỳ năm trước). Ngành bảo hiểm đã thực hiện chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 36.415 tỷ đồng, trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phi nhân thọ ước đạt 17.756 tỷ đồng, DNBH nhân thọ ước đạt 18.650 tỷ đồng, tiếp tục khẳng định vai trò là tấm lá chắn vững chắc của nền kinh tế - xã hội trước những tổn thất bất ngờ phát sinh. Kết quả này có được nhờ sự quan tâm chỉ đạo của các cơ quan quản lý Nhà nước, sự cố gắng nỗ lực vượt bậc của các DNBH, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và niềm tin của người tham gia bảo hiểm.

Ngày càng phát triển ổn định, bền vững

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn phải đối mặt với nhiều bất ổn, chiến tranh thương mại giữa các nước lớn chưa có hồi kết thúc, mặc dù vậy dưới sự chỉ đạo nỗ lực, quyết tâm của Đảng, Chính phủ, nền kinh tế Việt Nam năm 2018 đã phát triển ấn tượng với mức tăng trưởng đạt 7,08%. Đồng thời thị trường bảo hiểm Việt Nam cũng tiếp tục phát triển an toàn, bền vững với tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 133.654 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 24% so với năm trước.

Đối với lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, doanh thu bảo hiểm gốc năm 2018 ước đạt 45.792 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 12%. Trong đó bảo hiểm xe cơ giới là nghiệp vụ có doanh thu cao nhất ước đạt 14.117 tỷ đồng tăng trưởng 7% và chiếm tỷ trọng 31%; tiếp theo là bảo hiểm sức khỏe ước đạt 14.053 tỷ đồng tăng trưởng 15% và chiếm tỷ trọng 30%; bảo hiểm tài sản và thiệt hại ước đạt 6.368 tỷ đồng tăng trưởng 9% và chiếm tỷ trọng 14%; bảo hiểm cháy nổ doanh thu bảo hiểm ước đạt 4.196 tỷ đồng, chiếm tỉ trọng 9,2%, tăng trưởng 26%, các nghiệp vụ bảo hiểm còn lại (thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu, hàng hóa vận chuyển, bảo hiểm trách nhiệm…) ước đạt 7.053 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 15,4%.

Đối với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, tổng doanh thu phí bảo hiểm 2018 ước đạt 87.960 tỷ đồng, tăng trưởng 32,8%, trong đó doanh thu khai thác mới năm 2018 ước đạt trên 29.000 tỷ đồng, ước tăng trưởng 32% so với cùng kỳ năm trước. Vốn chủ sở hữu: Tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 50.251 tỷ đồng, tăng 25%, trong đó vốn điều lệ được tăng thêm trong năm 2018 là 19.706 tỷ đồng, tăng 136%.

 

Thuận lợi và thách thức

Mặc dù thị trường bảo hiểm Việt Nam liên tục tăng trưởng ở mức 2 con số trong nhiều năm qua, nhưng quy mô của thị trường cho đến nay vẫn còn ở mức hạn chế so với tiềm năng, tổng doanh thu của thị trường bảo hiểm tương đương 2,75 GDP trong khi đó mức trung bình của các nước trong khu vực là 3 - 5% và thế giới là 6 - 7%.

Thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển.

Theo nhận định của các chuyên gia, trong những năm tới, với sự nhất quán, kiên định chủ trương phát triển kinh tế của Chính phủ, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trên 7%. Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam năm 2018, người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu: “Tôi đề nghị địa phương, bộ ngành ưu tiên quan tâm của doanh nghiệp vào chương trình nghị sự, vào sổ tay điều hành của lãnh đạo. Năm 2019 phải đơn giản ít nhất 50% điều kiện đầu tư kinh doanh” và đây cũng chính là yếu tố vô cùng thuận lợi để thị trường bảo hiểm Việt Nam tiếp tục nắm bắt cơ hội phát triển.

Bên cạnh những thuận lợi, thì thách thức đặt ra đối với thị trường là không thể tránh khỏi, một trong số những thách thức đó là:

- Tình hình thiên tai bão lũ dự kiến năm 2019 sẽ diễn biến phức tạp hơn do tác động của hiện thượng El Nino.

- Thiếu niềm tin: Đây là một trong lý do tại sao nhiều tổ chức, cá nhân chưa quan tâm đến bảo hiểm và chưa coi chi phí bảo hiểm là chi phí cần thiết. Nhiều công ty bảo hiểm đã không chi trả các yêu cầu bồi thường kịp thời và đầy đủ theo như đã cam kết cũng như không đáp ứng đươc kỳ vọng của khách .

- Cạnh tranh: Mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa 64 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm (trong đó, có 30 DNBH phi nhân thọ, 18 DNBH nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 14 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài). Trên thực tế thì các Doanh nghiệp luôn tìm mọi cách thức và giải pháp để cạnh tranh quyết liệt giành vị trí, chỗ đứng trên thị trường.

- Cơ sở dữ liệu chung của thị trường bảo hiểm còn thiếu và và chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng.

- Thách thức của ngành bảo hiểm trước làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0

- Hội nhập quốc tế (WTO, CPTTP…) cũng đặt ra thách thức với các Doanh nghiệp bảo hiểm trong nước về năng lực tài chính chưa thực sự vững mạnh, năng lực đội ngũ cán bộ chưa cao, công nghệ quản trị điều hành còn hạn chế. 

Một số giải pháp tiếp tục thực hiện để thị trường bảo hiểm phát triển

Để đảm bảo thị trường bảo hiểm Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững, đảm bảo quyền lợi của DNBH cũng như quyền và lợi ích của bên mua bảo hiểm, các tổ chức có liên quan cần tiếp tục thực hiện các giải pháp:

Các cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục kịp thời chỉ đạo, hỗ trợ các DNBH gỡ khó khăn, tăng cường công tác kiểm tra giám sát giám sát nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, xây dựng và triển khai hệ thống công nghệ thông tin kết nối giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các DNBH.

Các DNBH cần tiếp tục:

Gắn phát triển kinh doanh với tăng cường năng lực quản trị tài chính, nâng cao hiệu quả quản lý tài sản, giảm chi phí kinh doanh; Chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối bảo hiểm; Đa dạng hóa sản phẩm, tích cực kiểm soát gian lận trong kinh doanh bảo hiểm.

Hợp tác cạnh tranh lành mạnh và tuân thủ pháp luật; Tăng cường hợp tác giữa các DNBH trong việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chung của thị trường, trước mắt là hệ thống cơ sở dữ liệu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, để tiến tới cơ sở dữ liệu bảo hiểm vật chất xe cơ giới tự nguyện và bảo hiểm thương mại kết hợp với bảo hiểm y tế theo chỉ đạo của Chính phủ.

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về bảo hiểm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý kinh doanh, bắt kịp xu hướng cách mạng công nghệ 4.0.

Về phía Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam cần tiếp tục thực hiện vai trò là đại diện bảo vệ quyền và lợi ích của các DNBH, luôn lấy DNBH làm trọng tâm, luôn thực hiện gắn kết sự hợp tác của hội viên (thay cho sự “đối đầu” thì sự hợp tác giữa các DNBH dù bất kỳ ở mức độ nào cũng luôn mang lại lợi ích chung cho thị trường, cho DNBH và cho khách hàng), thực hiện chia sẻ thông tin, đào tạo ,tuyên truyền về bảo hiểm, chủ động tham gia với cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng cơ chế chính sách bảo hiểm cũng như kịp thời phản ánh những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp tói các cơ quan hữu quan.

Chúng ta tin tưởng rằng với sự tiếp tục cố gắng, khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, các hội viên Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành công và thị trường tiếp tục phát triển an toàn, bền vưng trong thời gian tới./.

Bùi Gia Anh – Tổng Thư ký HHBHVN