HIỆP HỘI BẢO HIỂM VIỆT NAM

Ngôi Nhà Chung Của Các Doanh Nghiệp, Tổ Chức Bảo Hiểm Hoạt Động Tại Việt Nam

24/08/2018 10:13:50 SA
Tổng quan thị trường Bảo hiểm Việt Nam cả năm 2015

I – TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI

Kinh tế - xã hội năm 2015 diễn ra trong bối cảnh thị trường toàn cầu có những bất ổn, kinh tế thế giới vẫn đối mặt với nhiều rủi ro lớn với các nhân tố khó lường. Triển vọng kinh tế khu vực Eurozone chưa thật lạc quan. Thương mại toàn cầu sụt giảm do tổng cầu yếu. Kinh tế thế giới chưa lấy lại được đà tăng trưởng và phục hồi chậm. Ở trong nước, giá cả trên thị trường thế giới biến động, nhất là giá dầu giảm gây áp lực đến cân đối ngân sách Nhà nước, nhưng đồng thời là yếu tố thuận lợi cho việc giảm chi phí đầu vào, phát triển sản xuất và kích thích tiêu dùng.

Trong bối cảnh như vậy, ngay từ đầu năm, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều Nghị quyết, chính sách cùng các giải pháp và nhiệm vụ cụ thể, trong đó trọng tâm và trực tiếp là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015; Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2 năm 2015 - 2016, đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp, các địa phương thực hiện nghiêm và đồng bộ các giải pháp, từng bước tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh nhằm thực hiện mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2015 ước tính đạt 4.192,9 nghìn tỷ đồng, tăng 6,68% so với năm 2014; GDP bình quân đầu người năm 2015 ước tính đạt 45,7 triệu đồng, tương đương 2.109 USD, tăng 57 USD so với năm 2014; FDI đạt 22,7 tỷ USD tăng 12,5%, lạm phát 0,63%, tín dụng tăng trưởng 17%.. Cơ cấu nền kinh tế năm nay tiếp tục có sự chuyển dịch nhưng tốc độ chậm, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 17,00%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,25%; khu vực dịch vụ chiếm 39,73%. Cơ cấu tương ứng của năm 2014 là: 17,70%; 33,21%; 39,04% (thuế là 10,05%).

Năm 2015, Chế độ quản lý nhà nước được tăng cường và môi trường pháp lý cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm thuận lợi hơn với hàng loạt các chính sách và văn bản pháp luật mới được ban hành, trong đó, phải kể đến: Luật Đầu tư có hiệu lực từ 01/7/2015; Bộ luật Hàng hải được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 10/2015 trong đó có nội dung liên quan đến bảo hiểm hàng hải ; Bộ luật Hình sự bổ sung Điều 213 về tội danh gian lận trong kinh doanh bảo hiểm; Bộ luật Dân sự được Quốc hội thông qua kỳ họp tháng 10/2015 trong đó đã bỏ chương hợp đồng bảo hiểm; khó khăn vướng mắc của DNBH về chế độ thuế TNDN đối với người sử dụng lao động mua bảo hiểm cho người lao động và chế độ thuế TNCN đối với số phí bảo hiểm mà người sử dụng lao động mua cho người lao động cũng như chế độ hoa hồng đại lý bảo hiểm đã được tháo gỡ tại Nghị định 119/2015/NĐ-CP quy định về bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng; Nghị định số 12/2015/NĐ-CP, Thông tư 92/2015/TT-BTC, Thông tư 96/2015/TT-BTC quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế; Thông tư 194/2014/TT-BTC sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 124/2012/TT-BTC và Thông tư 125/2012/TT-BTC (có hiệu lực từ 01/02/2015); Thông tư 130/2015/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/10/2015 sửa đổi, bổ sung Thông tư 115/2013/TT-BTC hướng dẫn bảo hiểm hưu trí và Quỹ hưu trí tự nguyện. Cuối năm 2015, Bộ Tài chính bắt đầu triển khai kế hoạch sửa đổi bổ sung các Nghị định liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm gộp lại thành 1 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và 1 Nghị định hướng dẫn chế độ tài chính.

Trên cơ sở đó, thị trường bảo hiểm tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng với tổng doanh thu toàn thị trường đạt 70.252 tỷ đồng, tăng trưởng 25,8%; trong đó, tổng doanh thu thị trường bảo hiểm nhân thọ đạt 38.110 tỷ đồng, tăng 34,4%; tổng doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đạt 32.142 tỷ đồng tăng trưởng 16,85%; Tổng tài sản ước đạt 188.444 tỷ đồng; Tổng vốn chủ sở hữu ước đạt 44.585 tỷ đồng; Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 130.035 tỷ đồng; Tổng bồi thường và trả tiền bảo hiểm (đã thực hiện) ước đạt 23.916 tỷ đồng. Nguồn nhân lực ngành bảo hiểm có trên 25.000 cán bộ nhân viên trong đó có trên 95% đại học và trên đại học, gần 450.000 đại lý bảo hiểm. Năm 2015 là năm kết thúc kế hoạch phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011-2015 được Chính phủ phê duyệt. Các chỉ tiêu đạt được trên đã cơ bản hoàn thành kế hoạch của Bộ Tài chính đề ra cho thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011-2015.

II – THỊ TRƯỜNG BẢO HIỂM PHI NHÂN THỌ

Năm 2015, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đạt được nhiều thành tích quan trọng. Tổng doanh thu thị trường bảo hiểm PNT đạt 32.142 tỷ đồng tăng trưởng 16,85%, cao nhất từ năm 2010 đến nay, ngăn chặn được tình trạng nợ đọng, dây dưa phí bảo hiểm, kết quả là lãi nghiệp vụ tăng lên rõ rệt. Tổng số bồi thường chi trả 13.733 tỷ đồng chiếm tỷ lệ 43%.

Tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ là 56.785 tỷ đồng, tổng dự phòng nghiệp vụ là 26.490 tỷ đồng, tổng vốn chủ sở hữu là 21.251 tỷ đồng, tổng đầu tư trở lại nền kinh tế quốc dân là 30.433 tỷ đồng.

Dẫn đầu doanh thu là PVI 6.675 tỷ đồng, tăng trưởng 14,98%, chiếm 21,03% thị phần; Bảo Việt với doanh thu 5.897 tỷ đồng, tăng trưởng 3,49%, chiếm 18.58% thị phần; Bảo Minh 2.822 tỷ đồng, tăng trưởng 8,50%, chiếm 8,89% thị phần; PTI 2.461 tỷ đồng, tăng trưởng 43,27%, chiếm 7,86% thị phần; PJICO 2.240 tỷ đồng, tăng trưởng 4,97%, chiếm 7,06% thị phần.   

Một số doanh nghiệp có mức tăng trưởng doanh thu vượt bậc so với cùng kỳ năm trước như ACE tăng trưởng 97,07%, VBI tăng trưởng 82,99%, PAC tăng trưởng 80,03% và đặc biệt là bảo hiểm VASS với mức tăng trưởng 178.13% so với cùng kỳ năm trước.

Bảo hiểm xe cơ giới dẫn đầu với doanh thu 9.703 tỷ đồng (trong đó bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới là 2.175 tỷ đồng, bảo hiểm tự nguyện 6.310 tỷ đồng), tăng trưởng 25,21%, chiếm tỷ trọng 30%; số tiền bồi thường 4.283 tỷ đồng, dự phòng bồi thường 1.158 tỷ đồng, tỉ lệ bồi thường 44,28%.  Các doanh nghiệp đã áp dụng quy tắc, biểu phí được Bộ Tài chính phê duyệt bắt đầu từ 1/5/2014, phí trung bình trên thị trường đã có tăng. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp, chi nhánh có hiện tượng cạnh tranh chưa lành mạnh bằng cách không tuân thủ nghiêm các quy tắc, biểu phí được phê chuẩn bằng cách thông qua các câu chữ để lách chào phí thấp hơn, tỷ lệ bồi thường còn ở mức cao. Ngày 23/10/2015 Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm, Cục Cảnh sát giao thông và Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam đã ký chương trình phối hợp thực hiện bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới. Cục Cảnh sát Giao thông phối hợp với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm kiểm tra hồ sơ bồi thường phòng chống trục lợi bảo hiểm tại Tiền Giang, Cần thơ. Ra quân tháng 12 tuần tra kiểm soát, xử lý người điều khiển xe cơ giới không mua bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới tại Lạng Sơn, Hải phòng, Thanh hóa, Nghệ An, Đắk lawk, Đăck Nông, Bình Dương thúc đẩy bảo hiểm xe cơ giới.

Bảo hiểm sức khỏe đạt 7.617 tỷ đồng (trong đó bảo hiểm tai nạn con người 3.750 tỷ đồng, bảo hiểm y tế 866 tỷ đồng, bảo hiểm chăm sóc sức khỏe 1.669 tỷ đồng) tăng trưởng 27,13%, chiếm tỷ trọng 24%; số tiền bồi thường 2.684 tỷ đồng, dự phòng bồi thường 407 tỷ đồng, tỉ lệ bồi thường 35,41%. Các doanh nghiệp đã tập trung phát triển nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe bổ sung thêm nhiều quyền lợi ưu đãi khách hàng đồng thời chú trọng kiểm soát ngăn chặn trục lợi. Hiệp hội đã kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc các trường không được bán bảo hiểm học sinh, tình hình cũng đã bớt khó khăn. Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm đã thành lập Tổ biên soạn xây dựng hợp đồng mẫu về bảo hiểm sức khỏe theo từng đầu mục, thuận lợi cho việc phát triển nhiều loại sản phẩm bảo hiểm sức khỏe và phê duyệt sản phẩm. Bảo hiểm sức khỏe đang đối mặt với viện phí ngày càng tăng cao và kiểm soát hồ sơ, sự kiện bảo hiểm để phòng chống gian lận, trục lợi bảo hiểm.

Bảo hiểm tài sản và thiệt hại đạt 5.984 tỷ đồng, tăng trưởng 3,89%, chiếm tỷ trọng 19%; số tiền bồi thường 2.895tỷ đồng, dự phòng bồi thường 925 tỷ đồng, tỉ lệ bồi thường 49,57% ). Nhìn chung, nghiệp vụ tài sản năm 2015 có tăng trưởng nhưng tỉ lệ bồi thường còn cao. Năm 2015 đã hoàn thành cơ bản việc giải quyết bồi thường cho hậu quả việc gây rối trật tự công cộng tại Đồng Nai, Bình Dương và Hà Tĩnh với tổng số tiền bồi thường lên đến gần 1000 tỉ đồng được chính phủ ghi nhận và đánh giá cao. Bộ Tài chính đang triển khai nghiên cứu để ban hành chính sách, chế độ về bảo hiểm tài sản công và bảo hiểm thiên tai. Ngày 13/11/2015 Chính phủ đã ban hành NĐ 119 Bảo hiểm bắt buộc trong đầu tư xây dựng trong đó có bảo hiểm công trình xây dựng, bảo hiểm trách nhiệm khảo sát, thiết kế, bảo hiểm tai nạn người lao động trên công trình để triển khai vào năm 2016.

Bảo hiểm cháy nổ đạt 2.892 tỷ đồng, tăng trưởng 29,07%, chiếm tỷ trọng 9%; số tiền bồi thường 1.934 tỷ đồng, dự phòng bồi thường 479 tỷ đồng, tỉ lệ bồi thường 67,52%. Đầu tháng 6/2015, Cục quản lý Giám sát bảo hiểm đã ký kết hợp tác với Cục cảnh sát PCCC và CNCH để đẩy mạnh công tác kiểm tra giám sát và thúc đẩy việc thực hiện bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.

Bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu đạt 2.054 tỷ đồng tăng trưởng 11,25% chiếm tỷ trọng 6%, số tiền đã giải quyết bồi thường 949 tỷ đồng, dự phòng bồi thường 416 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 47,95%. Có 4 doanh nghiệp bảo hiểm và VNR triển khai bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 đem lại doanh thu khoảng 258.7 tỷ đồng, giá trị bảo hiểm 24.960 tỷ đồng với 26/28 tỉnh thành phố, 10.438 tàu và 101.540 người tham gia bảo hiểm, đã giải quyết bồi thường 26.1 tỷ đồng. Bộ Tài chính sẽ sửa đổi quy tắc điều khoản bảo hiểm tàu cá để việc triển khai tốt hơn, tiến độ giải ngân ở các địa phương cũng đã được cải thiện tuy nhiên công tác đối chiếu báo cáo, quyết toán hóa đơn giữa các doanh nghiệp còn chưa tốt. Bảo hiểm P&I kết quả kinh doanh tương đối tốt nên phí bảo hiểm tái tục kỳ 2016 không tăng. Tuy nhiên thị trường bảo hiểm tàu thủy năm 2015 vẫn còn một số tồn tại như mức khấu trừ nhìn chung ở mức thấp, tỷ lệ phí hạ quá thấp. Tỷ lệ tổn thất dù đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, đi đôi với đó chất lượng của tàu, chất lượng thuyền viên cũng ở mức thấp. Việc xác định giá trị tham gia bảo hiểm của tàu qua mỗi năm thì giá trị càng giảm nếu không được làm mới.

Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển đạt 2.311 tỷ đồng giảm 7,02% chiếm tỷ trọng 7%, số tiền đã bồi thường 742 tỷ đồng, dự phòng bồi thường 249 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường chiếm 32,24%. Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển không phát triển năm qua do cơ cấu hàng xuất khẩu thay đổi, nông sản xuất khẩu giảm, xuất khẩu gạo thậm chí giá còn rẻ hơn trong nước. Những vấn đề chính còn tồn tại của bảo hiểm hàng hóa trong  năm 2015là hàng hóa tham gia bảo hiểm có tăng so với năm trước nhưng các doanh nghiệp hạ phí rất nhiều, nhất là hàng xá mức phí năm trước trung bình khoảng trên 0.3 giảm còn dưới 0.2 (trong khi chi phí giám định, đề phòng hạn chế tổn thất, thiếu hụt khá cao). Bảo hiểm hàng hóa là nghiệp vụ bảo hiểm tự nguyện nên cơ quan quản lý khó can thiệp về mức phí mà để các doanh nghiệp tự cân đối hiệu quả kinh doanh. Một ảnh hưởng không nhỏ là trong năm qua giá dầu giảm sâu, kim ngạch nhập khẩu cũng giảm ảnh hưởng đến giá trị tham gia bảo hiểm.

Các nghiệp vụ bảo hiểm khác gồm bảo hiểm trách nhiệm đạt 688 tỷ đồng tăng trưởng 8,46%, bảo hiểm hàng không 545 tỷ đồng tăng 3,01 %, bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính 152 tỷ đồng tăng trưởng 49,71%, bảo hiểm thiệt hại kinh doanh 138 tỷ đồng tăng 2,97%./.

 

III – THỊ TRƯỜNG BẢO HIỂM NHÂN THỌ

Năm 2015, tổng doanh thu toàn thị trường bảo hiểm nhân thọ  đạt 38.110 tỷ đồng, tăng 34,4%, mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây; trong đó, tổng phí khai thác mới đạt 13.266 tỷ đồng, tăng 48%. Tổng dự phòng nghiệp vụ ước đạt 103.545 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư vào nền kinh tế ước đạt 119.240 tỷ đồng. Tình hình khai thác thị trường cụ thể như sau:

1. Số lượng hợp đồng bảo hiểm:

Số lượng hợp đồng khai thác mới trong năm 2015  đạt 1.293.965 hợp đồng (sản phẩm chính), tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, có 1.293.258 hợp đồng cá nhân (tăng 2,2%) và 707 hợp đồng nhóm (giảm 2,2%).

Số lượng hợp đồng khôi phục hiệu lực (sản phẩm chính) trong năm đạt 69.179 hợp đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng hợp đồng hết hiệu lực trong kỳ đạt 697.776 hợp đồng giảm 6% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng số lượng hợp đồng có hiệu lực cuối kỳ (sản phẩm chính) đạt 5.608.089 hợp đồng, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các doanh nghiệp có số lượng hợp đồng có hiệu lực lớn nhất bao gồm Prudential (1.659.877 hợp đồng), Bảo Việt (1.605.172 hợp đồng) và Manulife (586.661 hợp đồng).

Nhóm 3 sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp (61,5%), bảo hiểm đầu tư (29,3%) và bảo hiểm tử kỳ (7,6%) vẫn là những sản phẩm được ưa chuộng và chiếm tỷ trọng cao nhất.

 2. Số tiền bảo hiểm:

Tổng mức trách nhiệm mà các DNBH Nhân thọ đang nắm giữ đạt 1.270 nghìn tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, mức trách nhiệm của các sản phẩm chính đạt 858 nghìn tỷ đồng (tăng 26,4%), mức trách nhiệm của các sản phẩm phụ đạt 412 nghìn tỷ đồng (tăng 58%).  Tổng mức trách nhiệm của các sản phẩm bảo hiểm cá nhân đạt 1.246 nghìn tỷ đồng (tăng 36,4%) và các sản phẩm bảo hiểm nhóm đạt 24 nghìn tỷ đồng (giảm 9,1%).

Các doanh nghiệp có tổng mức trách nhiệm cao trên thị trường bảo hiểm là: Prudential 297 nghìn tỷ, Dai-ichi life là 211 nghìn tỷ đồng và Bảo Việt Nhân thọ là 206 nghìn tỷ.

3. Phí bảo hiểm:

Phí bảo hiểm định kỳ năm đầu trong năm 2015 đạt 12.839 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước, phí bảo hiểm đóng một lần đạt 427 tỷ đồng, tăng 90%. Tổng phí khai thác mới trong  năm đạt 13.266 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước. Hai sản phẩm chiếm tỷ trong phí khai thác mới cao nhất bao gồm sản phẩm bảo hiểm đầu tư (chiếm 43,5%) và bảo hiểm hỗn hợp (chiếm 43,3%). Dẫn đầu về phí bảo hiểm khai thác mới là Prudential là 2.902 tỷ đồng, Bảo Việt Nhân thọ với 2.580 tỷ đồng và Manulife là 1.629 tỷ đồng.

Tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường đạt 38.110 tỷ đồng, tăng 34,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, sản phẩm bảo hiểm cá nhân đạt 37.867 tỷ đồng (tăng 34,5%) và sản phẩm bảo hiểm nhóm đạt 244 tỷ đồng (tăng 20%). Nhóm sản phẩm chiếm doanh thu cao nhất bao gồm: bảo hiểm hỗn hợp (chiếm 52,6%) và bảo hiểm đầu tư (chiếm 37%). Các doanh nghiệp chiếm thị phần tổng doanh thu lớn trên thị trường bao gồm Prudential (11.098 tỷ đồng), Bảo Việt Nhân thọ (10.129 tỷ đồng), Manulife (4.496 tỷ đồng), Dai-ichi Life (3.539 tỷ đồng) và AIA (3.479 tỷ đồng).

 

 

4.Trả tiền bảo hiểm:

Năm 2015, tổng số chi trả quyền lợi bảo hiểm đạt 10.183 tỷ đồng; Tổng số trả tiền bảo hiểm là 6.826 tỷ đồng, tăng 24,4%, trong đó Bảo Việt Nhân thọ với 2.710 tỷ đồng, Prudential với 2.602 tỷ đồng và Manulife với 477 tỷ đồng; Tổng số trả giá trị hoàn lại là 1.781 tỷ đồng, tăng 6,8%, trong đó, Prudential là doanh nghiệp có giá trị hoàn lại cao nhất thị trường với 666 tỷ đồng, tiếp theo là Bảo Việt Nhân thọ với 346 tỷ đồng và Manulife với 297 tỷ đồng. Tổng số lãi chia cho người thụ hưởng là 1.577 tỷ đồng, tăng 16,7%, trong đó, Prudential trả 864 tỷ đồng, Manulife trả 351 tỷ đồng và Bảo Việt Nhân thọ trả 314 tỷ đồng.

5. Số lượng đại lý bảo hiểm

Số lượng đại lý mới tuyển dụng trong năm 2015 là 245.451 người tăng 40,4% so với cùng kỳ năm ngoái, các doanh nghiệp bảo hiểm có số lượng đại lý mới tuyển dụng nhiều nhất thị trường theo thứ tự là: Prudential (83.988 đại lý), Dai-ichi Life (35.964 đại lý) và Bảo Việt Nhân thọ (32.015 đại lý).

Năm 2015, tổng số lượng đại lý có mặt trên thị trường tăng 37,3% với 404.607 đại lý. Các doanh nghiệp có số lượng đại lý cao nhất là Prudential 181.638 người, Bảo Việt Nhân thọ là 76.074 người và Dai-ichi life 49.778 người.

Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam