HIỆP HỘI BẢO HIỂM VIỆT NAM

Ngôi Nhà Chung Của Các Doanh Nghiệp, Tổ Chức Bảo Hiểm Hoạt Động Tại Việt Nam

24/08/2018 10:13:50 SA
Tổng hợp ý kiến đóng góp của Hiệp hội Bảo hiểm và các Doanh nghiệp Bảo hiểm về Dự thảo Nghị định hướng dẫn sửa đổi bổ sung một số điều của Luật kinh doanh Bảo hiểm

I. Góp ý chung

1. Cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Nghị định.

2. Về bố cục, nên đưa mục V Hợp tác xã bảo hiểm lên thành mục III cho hợp lý trình tự hướng dẫn việc thành lập và tổ chức hoạt động của các tổ chức bảo hiểm mới khai thác bảo hiểm tại Việt Nam.

3. Nên có khái niệm để định nghĩa về bán bảo hiểm qua biên giới, môi giới bảo hiểm qua biên giới, hợp tác xã bảo hiểm và đấu thầu trong bảo hiểm để cơ quan chức năng xét xử và giải quyết tranh chấp dễ áp dụng. 

II. Cung cấp sản phẩm bảo hiểm qua biên giới:

1. Điều 3 nên bổ sung thêm khoản 4: Trong quá trình thực hiện bán sản phẩm bảo hiểm qua biên giới, các DNBH, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm không đáp ứng được đầy đủ các quy định tại khoản 1, 2, 3 của Điều 3 thì đương nhiên bị đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới vào Việt Nam.

2. Bổ sung các quy định cụ thể về quản lý ngoại hối liên quan các vấn đề thu phí bảo hiểm, giải quyết quyền lợi bảo hiểm.

3. Bổ sung cho rõ quy định về nộp báo cáo của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ qua biên giới khoản 2 điều 5: “...trong vòng 3 năm liền kề năm nộp hồ sơ xin cung cấp dịch vụ qua biên giới tại Việt Nam.”.

4. Cần bổ sung rõ ràng: “DNBH nước ngoài phải có quy trình giải quyết bồi thường hoặc trả tiền bảo hiểm được chấp thuận bởi Bộ Tài Chính trong đó nêu rõ thủ tục, trình tự xử lý tổn thất và thời hạn trả tiền bồi thường hoặc trả tiền bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm tại Việt Nam”

5. Cần có biện pháp quản lý chặt chẽ khoản ký quỹ 5 triệu đô la Mỹ 

III.  Thành lập chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ:

1. Điều 8 khoản 1 nên bổ sung thêm điều kiện về tiêu chuẩn xếp hạng của DNBH thành lập chi nhánh tại Việt Nam như đối với DNBH bán sản phẩm qua biên giới (Điều 3 khoản 2 điểm b). Vì thực tế khi có được doanh thu (phí bảo hiểm) tại Việt Nam, họ chuyển về công ty mẹ. Vai trò công ty mẹ không khác gì công ty nhận tái bảo hiểm. Để đảm bảo an toàn khả năng thanh toán cũng như bảo vệ người tiêu dùng (người tham gia bảo hiểm) cần có quy định tiêu chuẩn của công ty mẹ như đối với nhà nhận tái bảo hiểm tại nước ngoài.

2. Điều 8 nên bổ sung thêm khoản 3 Khi công ty mẹ không đáp ứng được tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 8 thì chi nhánh DNBH nước ngoài này chỉ được khai thác bảo hiểm và tái bảo hiểm cho các DNBH đang hoạt động tại Việt Nam, không được chuyển doanh thu phí bảo hiểm gốc về công ty mẹ.

3. Để đảm bảo tính xác thực của các tài liệu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở nước ngoài và Việt Nam cấp, cần bổ sung thêm khoản 10 vào điều 9 : “10. Các giấy tờ do cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp hay xác nhận phải được hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và dịch ra tiếng Việt; bản dịch, bản sao phải được công chứng theo quy định của pháp luật Việt Nam.”

 4. Nên định nghĩa rõ “vốn hoạt động” trong Điều 8.2.a) về điều kiện vốn hoạt động tối thiểu 100 tỷ.  Mặc dù có điều kiện về vốn này nhưng trong Điều 9 về hồ sơ xin cấp giấy phép, không thấy liệt kê yêu cầu chứng minh vốn hoạt động này trong bộ hồ sơ. 

IV. Đấu thầu và cạnh tranh trong bảo hiểm:

1. Điều 25 khoản 1 mục d nên sửa nhà tái bảo hiểm bằng nhà nhận tái bảo hiểm.

2. Điều 25 nên bổ sung khoản 2 với nội dung: Các DNBH tham gia đấu thầu theo đúng nội dung quy tắc, điều khoản, điều kiện và biểu phí bảo hiểm đã được DNBH ban hành và báo cáo Bộ Tài chính hoặc theo đúng nội dung quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm đã được nhà nhận tái bảo hiểm chấp nhận cho DNBH tham gia đấu thầu.

3. Điều 25 khoản 2 nên sửa thành khoản 3 và bổ sung thêm cả trường hợp không phải bảo lãnh hoặc ký quỹ thực hiện hợp đồng bảo hiểm.

4. Điều 26 Thông tư 155 chỉ yêu cầu DNBH báo cáo sản phẩm bảo hiểm mới triển khai trong tháng trước chậm nhất là 15 ngày của tháng sau theo mẫu của Bộ Tài chính. Theo mẫu này thì không phải trình quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm do DNBH xây dựng. Vậy để thực hiện công việc này, cần quy định DNBH phải báo cáo Bộ Tài chính quy tắc, điều khoản, biểu phí cho Bộ Tài chính chậm nhất là 3 ngày sau khi ban hành.

5. Hiện nay ở nước ta tiêu chí chọn thầu chủ yếu là dựa theo phí bảo hiểm mà không xem xét đến nhiều yếu tố quan trọng đằng sau đó. Điều này là rất nguy hiểm, gây ảnh hưởng không tốt đến thị trường bảo hiểm còn non trẻ, chưa có sự chuẩn hoá của Việt Nam. Do đó quy định cần phải cụ thể, rõ ràng hơn, chuẩn hoá hơn như: ai ra bài thầu? Tiêu thức chấm DNBH thắng thầu là gì?... 

V. Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm:

1. Điều 28 Nên nói rõ hơn tổng doanh thu bảo hiểm gốc (khai thác) hay tổng doanh thu giữ lại (trừ tái bảo hiểm) và doanh thu nhận tái bảo hiểm (trong nước và nước ngoài). Doanh thu giữ lại và nhận tái liên quan đến trách nhiệm bồi thường của DNBH, phần tái bảo hiểm là trách nhiệm của doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm.

Nên thu 0,1%, ví dụ năm 2011 doanh thu phi nhân thọ 20.000 tỷ đồng, nhân thọ 15.000 tỷ đồng thì quỹ có tới 35 tỷ đồng thay vì 105 tỷ đồng nếu thu 0,3%.

2. Điều 31 Nên bổ sung trường hợp DNBH bị phá sản, mất khả năng thanh toán thì Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm là người có nghĩa vụ chi trả nhưng đồng thời thế quyền về đòi người thứ ba hoặc đòi doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm bồi thường. Nguyên tắc thế quyền cả nghĩa vụ và quyền lợi là rất quan trọng.

3. Nên tách biệt Quỹ cho doanh nghiệp nhân thọ và phi nhân thọ vì mỗi lĩnh vực đều có những rủi ro và đặc thù về khả năng thanh toán.

4. Quy định đóng góp Quỹ chỉ áp dụng với tổng doanh thu phí thực giữ lại.

5. Thời hạn bắt đầu lập Quỹ đề nghị là kể từ ngày 01/01/2012.

6. Cần quy định rõ tiêu chí lựa chọn đại diện DNBH vào Ban điều hành Quỹ cho phù hợp

7. Cần quy định quyền hạn của Ban Điều hành Quỹ: kiến nghị, đề xuất góp ý với Bộ Tài chính đối với mức trích lập Quỹ. 

VI. Hợp tác xã bảo hiểm:

1. Nên định nghĩa rõ thế nào là thành viên hợp tác xã bảo hiểm.

2. Chưa làm rõ được sự khác biệt giữa hợp tác xã bảo hiểm, bảo hiểm tương hỗ và doanh nghiệp bảo hiểm.

3. Cần làm rõ quyền: “Tiến hành hoạt động kinh doanh bảo hiểm theo quy định của pháp luật.”

4. Cần có thêm một số quy định để đảm bảo chất lượng bảo hiểm và quyền lợi của các thành viên trong các hợp tác xã như quy định về tiêu chuẩn cho Hội đồng quản trị, Giám đốc và Ban kiểm soát của Hợp tác xã. Các quy định về biên khả năng thanh toán, ký quỹ bắt buộc và mức vốn thành lập cũng cần được đưa vào quy định này. 

VII. Một số ý cần làm rõ hơn:

1. Quy định về xếp hạng tín nhiệm tối thiểu “BBB” (S&P), “B++” (AMBest), “Baa” (Moody’s) hoặc tương đương (khoản 2b) được áp dụng không chỉ cho các công ty bảo hiểm mà áp dụng cho cả các công ty môi giới bảo hiểm hoạt động tại nước ngoài. Rất mong Bộ Tài Chính xác nhận cách hiểu trên.

2. Dự thảo này quy định “Bảo hiểm sức khoẻ không áp dụng các quy định về cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm qua biên giới tại Nghị định này”. Thuật ngữ “Bảo hiểm sức khoẻ” muốn nói đển bảo hiểm sức khỏe đơn thuần (không bao gồm tai nạn) hay thuật ngữ này bao gồm cả các sản phẩm bảo hiểm sức khoẻ và bảo hiểm tai nạn mà các công ty bảo hiểm phi nhân thọ vẫn cung cấp trên thị trường?

3. Trường hợp một tổ chức muốn thành lập DNBH kinh doanh đơn thuần nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe thì có được hay không?

4. Hiện tại trong Giấy phép thành lập và hoạt động của các DNBH nhân thọ chỉ được phép kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe bổ trợ cho sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Nếu theo Luật sửa đổi, các doanh nghiệp này có được tiến hành kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe một cách độc lập với nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ hay không và có phải thực hiện thủ tục thay đổi Giấy phép thành lập và hoạt động không?

5. Các DNBH nhân thọ có phải xin phép BTC phê chuẩn lại các sản phẩm bảo hiểm sức khoẻ đang triển khai hay không?

6. Lợi nhuận từ đầu tư của Quỹ bảo vệ người tham gia bảo hiểm có được miễn thuế không?

7. Có hợp tác xã bảo hiểm phi nhân thọ, hợp tác xã bảo hiểm nhân thọ, hợp tác xã bảo hiểm sức khoẻ không? Hợp tác xã có còn quy định vốn tối thiểu không? Bao nhiêu xã viên đóng góp cho đủ? Có cần tách quỹ chủ sở hữu (của hợp tác xã) và chủ hợp đồng (cũng là xã viên và một phần sản phẩm bán ngoài xã viên)?

Phùng Đắc Lộc

Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam